Trong các tỉnh miền Trung, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh tương đối trì trệ trong quá trình phát triển kinh tế. Dù xuất phát điểm của tỉnh này tốt hơn Đà Nẵng rất nhiều, nhưng hiện họ đã bị người hàng xóm bỏ lại rất xa. Có thể nói, ngoài du lịch ra, Thừa Thiên Huế chẳng còn gì cả, khu công nghiệp Phú Bài xây ra cho có, cảng Chân Mây được đánh giá là một trong những cảng nước sâu tốt nhất Việt Nam, nhưng cũng chẳng giúp ích được gì nhiều cho Huế.
Những tưởng, Huế sẽ ‘mê man’ mãi như thế, mãi là một cố đô trứ danh về du lịch nhưng kinh tế vẫn nghèo, một thành phố buồn hiu hắt kề bên Đà Nẵng năng động, phồn hoa; nhưng không, theo những gì mà ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chia sẻ trong sự kiện 5 năm thành lập quỹ khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation (SVF), địa phương này đang có những biến chuyển mình hết sức tích cực trong kế hoạch phát triển kinh tế, theo phương châm chậm mà chắc.
Giải bài toán phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường
Trước đây, một trong những nguyên nhân lớn, khiến Thừa Thiên Huế có một nền kinh tế èo uột là do không thế hệ lãnh đạo nào có thể giải được bài toán phát triển bền vững. Kinh nghiệm ở những đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội cho thấy, phát triển công nghiệp – kinh tế luôn phải đánh đổi bằng sự xuống cấp của môi trường. Thử hỏi, nếu Huế luôn ngập ngụa trong khói bụi – ô nhiễm, kẹt xe thì ai còn tới Huế du lịch nữa. Nếu xui xẻo có khi lại mất hết!
Tuy nhiên, dạo gần đây, người Huế đã tư duy khác đi. Họ không cố giải bài toán khó đó, mà tìm nhiều cách khác nhau để kích thích sự phát triển kinh tế, một trong số đó chính là khuyến khích người dân khởi nghiệp. Với lĩnh vực khởi nghiệp, họ có một lợi thế mà ít tỉnh thành nào có được là hệ thống trường Cao đẳng – Đại học danh tiếng, với 90.000 sinh viên đang theo học.
"Đứng về phía chính quyền, trên khắp cả nước, khởi nghiệp là một câu chuyện khá mới mẻ. Với Huế, điều đó càng mới mẻ gấp bội. Nếu so với các địa phương khác, có lẽ là do tiến trình lịch sử - sự nhìn nhận – văn hóa của người Huế, phần lớn cha mẹ Huế định hướng con cái đi theo ngạch công chức – làm việc nhà nước hoặc tìm những công việc ổn định trong một tổ chức doanh nghiệp nào đó; cao nhất là bác sỹ, rồi làm giáo viên, công chức.
Rất ít gia đình ở Huế dạy con cái làm ăn kinh doanh, thậm chí, khi người con có ý định kinh doanh, câu nói đầu tiên của bố mẹ là: ‘ở Huế kinh doanh cái gì con’. Cho nên, theo tôi, nếu chúng ta không theo đổi được điều này, thì bản thân Huế sẽ rất khó trong nhiều thứ", ông Phan Thiên Định nhận định.
Một buổi sinh hoạt trong cộng đồng khởi nghiệp tại Huế.
Do đó, trong vài năm vừa qua, lãnh đạo Huế không kỳ vọng là có thể gây dựng lên được ngay những tổ chức khởi nghiệp hoặc có những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở mức độ cao, mà họ chỉ mong muốn có thể thay đổi được tư duy của mỗi người dân Huế. Hành động đầu tiên là liên kết với SVF để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp cho tỉnh.
"Nếu như những ngày đầu, trong các buổi hội thảo, dù SVF có hô hào hết sức, cũng không có bất cứ một cánh tay nào đưa lên để trả lời vấn đề, hay phản biện lại chuyện nào đó; thì bây giờ, các hội thảo không những ngày càng đông hơn mà người nghe đã dám phát biểu – tranh luận. Theo tôi, đây đã là một sự thay đổi rất lớn, là nền tảng của sự phát triển về sau này", vị Phó chủ tịch kể.
Có thể nói, từ khi SVF đến, Huế đã có được vài chuyển biến tích cực quan trọng trong lĩnh vực khởi nghiệp. Hiện tại, Huế vẫn tiếp tục triển khai đồng loạt chương trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các tổ chức. Đầu tiên là nhiệm vụ trực tiếp của Sở Khoa học công nghệ, thứ hai là của Tỉnh đoàn, thứ ba là Hội phụ nữ và đặc biệt, hệ thống đại học Huế với gần 90.000 sinh viên đang theo học là một tổ chức mà lãnh đạo tỉnh này hết sức quan tâm.
Để có thể khai thác hết thế mạnh trên, Huế khuyến khích các thầy cô trong trường Đại học khởi nghiệp hoặc các thầy cô sẽ bảo trợ cho học trò khởi nghiệp; bởi các thầy cô vừa có tri thức, vừa có tài lực, kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ tốt không chỉ trong mà còn ngoài nước.
Ông Phan Thiên Định cũng tiết lộ với chúng tôi, Huế vừa bác một loạt đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trên địa bàn tỉnh. Sắp tới, họ sẽ không cấp kinh phí cho những đề tài khoa học ‘vô thưởng vô phạt’ hoặc quá hàn lâm – không có tính thực tiễn hoặc không áp dụng được trong cuộc sống. Nếu tỉnh cần gì sẽ đặt hàng cho các nhà khoa học và sau khi dự án thành công, Huế sẽ dùng kết quả nghiên cứu đó để hỗ trợ giới khởi nghiệp.
Ngoài ra, họ còn mời những nhà khoa học – doanh nhân bên ngoài vào giảng dạy ở các trường Đại học, nhằm hướng dẫn cho các sinh viên cách áp dụng khoa học – kỹ thuật – công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Huế cũng đang khuyến khích các sinh viên áp dụng công nghệ vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục và du lịch. Hiện tại, Huế chưa có startup nào có mô hình áp dụng công nghệ vào y tế, nhưng ông Định tin rằng, trong tương lai sẽ có.
"Qua câu chuyện khởi nghiệp, chúng tôi muốn kinh tế của Huế có thể phát triển trên nền tảng di sản, văn hoá, con người đang có.
Trong thời gian tới, chúng tôi muốn SVF hỗ trợ Huế một cách toàn diện hơn nữa, như đã làm với Đồng Tháp. Chúng tôi muốn Huế có thể trở thành một Đồng Tháp thứ hai trong lĩnh vực khởi nghiệp. SVF hãy gửi vào khu vườn khá yên tĩnh của chúng tôi một ‘bầy sư tử’", cựu Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư của Huế nhắn nhủ.
Chuyện "bầy sư tử" mà ông Định nói đến chính dựa vào clip mà chúng tôi thực hiện nói về việc cánh rừng Yellowstone (Mỹ) đã hồi sinh mạnh mẽ sau khi người ta thả vào đó 14 con sói xám vào đó năm 1995. Còn SVF thì cho rằng, tùy vào tình hình của mỗi tỉnh, tổ chức này có thể thả ‘bầy sói’ hoặc cả ‘bầy sư tử’ vào tỉnh đó để có thể tạo ra một khu rừng - hệ sinh thái khởi nghiệp tốt.
Không chỉ nói suông, Huế đang làm đúng những gì Đồng Tháp đã làm, họ cũng mua hàng từ các startup của mình để đi tặng cho quan khách khắp cả nước. Ông Định đã mang một bức tranh sử dụng nghệ thuật pháp lam Huế của một công ty khởi nghiệp trong tỉnh để tặng cho SVF.
Thay đổi bắt đầu từ những hành động nhỏ
Hoạt động vớt rác trên sông Hương...
...và trồng hoa ven đường.
Cũng với chiến lược, thay đổi tư duy từ những hành động nhỏ, ngoài lĩnh vực kinh tế, Huế còn áp dụng lên môi trường.
"Như tất cả chúng ta đều biết, Huế có rất nhiều giá trị văn hóa lịch sử cảnh quan và chúng tôi có lẽ là địa phương duy nhất trong cả nước khẳng định mục tiêu phát triển của mình là xây dựng Huế trở thành một đô thị văn hóa – lịch sử - cảnh quan thân thiện môi trường, phát triển bền vững", ông Định tiếp tục chia sẻ.
Để thực hiện được mục tiêu này, họ bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ nhất, ví dụ như đi nhặt rác. Hiện tại, phong trào Chủ nhật xanh mà tỉnh triển khai, cơ bản là đã được toàn dân ủng hộ. Nếu ở nơi nào còn bẩn, chứng tỏ lãnh đạo ở địa phương đó còn yếu kém trong hoạt động điều hành, ông Định kết luận.
Và không chỉ hô hào người dân trên toàn tỉnh đi nhặt rác, dọn dẹp thôn xóm sạch đẹp, mà tỉnh còn khuyến khích người dân trồng cây trên đồi, rừng, rú hoặc trồng hoa trong sân nhà, ven đường.
Ở khía cạnh khác, vào tháng 5 vừa qua, Huế đã gây nhạc nhiên khi giới thiệu ứng dụng Hue-S – dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên Huế.
Qua app Hue-S, người dân Huế có thể được cập nhật nhanh chóng tình trạng giao thông, tình hình cung ứng điện nước, các hình thức lừa đảo, tình hình thời tiết… trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, thông qua Hue-S, người dân cũng có thể gửi cũng như theo dõi, nhận kết quả trả lời hoặc xử lý phản ánh, kiến nghị của mình một cách kịp thời, chính xác từ các cơ quan nhà nước.
Theo nhận xét của nhiều người, mặt dù giao diện của Hue-S chưa tốt nhưng app chạy rất mượt mà.