4 câu hỏi, trăn trở của địa phương trong 5 năm
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn không quên câu chuyện cách đây 5 năm về trước. Năm 2013, tỉnh xúc tiến mạnh mẽ, mời gọi các nhà những "ông lớn" quốc tế, trong đó có Mỹ đến để xem xét đầu tư.
Những doanh nghiệp Hoa Kỳ, sau chặng bay nửa vòng trái đất để đến Quảng Ninh xem xét Vân Đồn với 4 câu hỏi.
Thứ nhất, chủ trương quy hoạch có tầm quốc gia không?
Thứ hai, có bao nhiêu đặc khu kinh tế được xây dựng và vị trí ở đâu?
Thứ ba, hạ tầng giao thông kết nối như sân bay, bến cảng bao giờ có?
Thứ tư, ai là người có đủ khả năng giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư, đảm bảo chịu trách nhiệm đối với nhà đầu tư.
"Thời điểm đó chúng tôi dù có rất nhiều quyết tâm nhưng không có đủ thẩm quyền, điều kiện để khẳng định được", ông Thành nói và cho biết đành bỏ lỡ cơ hội.
Tuy nhiên, đến nay, vị Phó Chủ tịch tỉnh tỏ ra tự tin rằng Quảng Ninh đã giải quyết được những câu hỏi trong quá khứ.
"Cái nào tỉnh làm được thì đã làm ngay, cái nào vượt thẩm quyền thì chủ động báo cáo lên Bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng để được giải quyết", ông nói.
Theo ông, chủ trương định hướng tầm quốc gia về 3 đặc khu: Vân Đồn – Bắc Vân Phong – Phú Quốc đến nay là rất rõ ràng. Luật cũng đã được xây dựng một cách công phu, chờ ngày được thông qua. Bên cạnh đó, Luật cũng thể hiện rất rõ ý chí xây dựng một thể chế đột phá, hiện đại, trao quyền tự chủ cho người đứng đầu.
Về hạ tầng, ông Thành nói rằng cảng hàng không tại đây sẽ chính thức có chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 7 năm nay. Ngoài ra, cao tốc Vân Đồn – Hải Phòng kết nối với cao tốc Hải Phòng – Hà Nội sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển.
"Từ Hà Nội về Vân Đồn chỉ mất 2 tiếng chạy xe", ông cho biết.
Nghĩa là, sau 5 năm, tỉnh đã tự tin trước những yêu cầu mà thị trường đã đề ra. Ông Thành nhận định, đặc khu tại Quảng Ninh sẽ thành công.
Làm gì để đua với thế giới?
Ngược với cái nhìn lạc quan của địa phương cho đặc khu, chuyên gia trong nước, quốc tế đã chỉ ra nhiều yếu tố cần phải cân nhắc, cẩn trọng.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank nhấn mạnh vào yếu tố nhân sự, được xem là điểm cần quan tâm nếu đặc khu vươn tầm ra thế giới.
"Sự thiếu hụt lao động có kỹ năng là một nút thắt, đầu tư nhân lực sẽ tạo ra lợi thế so sánh lớn", vị này nói và nhấn mạnh Việt Nam phải tạo ra đội ngũ nhân sự chất lượng cao chứ không phải là nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0.
Luật về đặc khu đối với GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đang có quá nhiều ưu đãi, thậm chí, ông so sánh là chỉ thua mỗi thiên đường thuế. Dù vậy, ông Liên không cho rằng ưu đãi sẽ "quyến rũ" nhà đầu tư nước ngoài. Ông lưu ý, nếu thị trường không minh bạch, cơ chế không đủ tốt, nhà đầu tư cũng chỉ đến rồi đi.
"Họ cần sự an toàn, khi có tranh chấp được giải quyết với niềm tin chân lý cao", ông nói. Theo đó, ông nhấn mạnh cần tránh tình trạng phân mảnh thẩm quyền khiến các cơ quan, đơn vị chồng chéo lên nhau. Luật làm ra phải đi thẳng được vào cuộc sống, không cần phải chờ đợi những văn bản hành chính hướng dẫn.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp còn nhắc đến năng lực của cán bộ, công chức của đặc khu. Theo đó, phải tìm được người tài, người có năng lực thực thi. Nếu không luật có tốt bao nhiêu cũng sẽ hỏng.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương lại đặt ra vấn đề "dám chơi – biết chơi". Hẳn nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Thành thừa nhận Chính phủ Việt Nam đã cám cược vào cuộc chơi này, dù là muộn. Tuy nhiên, ở vế "biết chơi", ông tỏ ra băn khoăn.
"Bản chất Việt Nam có muốn vượt lên không?", ông đặt vấn đề. Theo đó, ông muốn đặc khu được tự do dịch chuyển hơn nữa. Bên cạnh đó, phải biết cách ưu đãi một cách hợp lý, dựa trên những gì mà doanh nghiệp có thể làm được cho Việt Nam trong tương lai.