Phát biểu tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” ngày 20/2, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: "Mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi.
Điển hình như, quy định của Luật Đầu tư về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư (như điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư…) còn một số nội dung thiếu cụ thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện.
Theo ông Toàn: "Sau 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sứ mệnh của các nhà đầu tư cần được thay đổi, việc đến Việt Nam để giải quyết việc làm cho lao động không còn nhiều ý nghĩa mà cần đầu tư hiệu quả và đem lại giá trị gia tăng cho Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của sửa đổi Luật Đầu tư cần phải tập trung vào định hướng cho đầu tư nước ngoài".
Hiện nay, đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa thu hút được đầu tư nước ngoài có công nghệ cao ở các nước phát triển như Mỹ và EU. Số liệu của đầu tư quốc tế, năm 2018 Mỹ đầu tư ra nước ngoài 340 tỷ USD trong khi Việt Nam chỉ chiếm có 500 triệu USD, còn EU đầu tư vào Việt Nam được khoảng hơn 20 tỷ USD và riêng Hà Lan là quốc gia rất nhỏ cũng đã đầu tư 9 tỷ USD.
Trong khi đó, những năm trước Trung Quốc chỉ đứng thứ 11 trong những quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhưng đến năm 2018 đã vươn lên thứ 5, hiện tại vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc gấp 5 lần đầu tư từ Đức vào Việt Nam.
"Vậy phải chăng môi trường đầu tư tại Việt Nam trong đó có môi trường pháp lý chưa phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài có nguồn công nghệ cao từ các nước tiên tiến?", ông Toàn đặt vấn đề.
Vì vậy, "cần đổi mới mạnh mẽ về chính sách trong Luật Đầu tư sửa đổi để thu hút được các nhà đầu tư có cao nghệ cao, công nghệ nguồn và tạo sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước cũng như lan toả đầu tư nước ngoài. Đó là điều kiện để chúng ta khắc phục những điểm yếu nhất trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", ông Toàn nhận định.