Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đang là cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp trong thời đại Internet Vạn Vật (IOT). Việc hiểu đúng, xây dựng được văn hóa dữ liệu ở doanh nghiệp, tái lập cách ra quyết định bằng dữ liệu là xu hướng chuyển đổi số tất yếu khi phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang chưa được các doanh nghiệp chú trọng và khai thác hết tiềm năng, đặc biệt là dữ liệu hình ảnh.
Chia sẻ tại hội thảo AI mới đây, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Tp.HCM cho biết, Chính phủ Việt Nam mới đây đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới. Chiến lược này nhằm mục đích xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển 3 trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia.
Tuy nhiên, không phải đến khi ban hành Chiến lược AI, các doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển lĩnh vực này. Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu AI và ứng dụng trong nhiều mô hình kinh doanh mới như tài chính ngân hàng, y tế, thương mại điện tử...
"Ngoài ra, tác động từ dịch Covid-19 cũng đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số... Đây được ví như là thời cơ, là cú hích rất lớn để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số", ông Thành nhấn mạnh.
Nói về tầm quan trọng của AI và Big Data đối với các doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI-HCM cho rằng, có 2 nguyên nhân:
Thứ nhất là xuất phát từ bối cảnh chung của thế giới hiện nay đang tích cực thực hiện công nghiệp 4.0, trong khi đó, AI và Big Data là một trong những yếu tố cốt lõi của công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng đã nhận thức được tầm quan trọng đó. Do đó, Chính phủ cũng như Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết cũng như các chương trình hành động để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong quản lý của Chính phủ, cũng như vận hành của các doanh nghiệp.
Thứ hai, trong thời đại hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế mở và trong môi trường Big Data, nếu các doanh nghiệp không thực hiện ứng dụng AI, không thực hiện việc phân tích dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về hình ảnh, thì sẽ bị các đối tác, các bạn hàng đang giám sát hành vi của doanh nghiệp và họ sẽ có những thông tin và ứng dụng những thông tin đó vào việc kinh doanh của họ, dẫn đến những bất lợi cho chính các doanh nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải tiếp cận vào thu thập sử lý dữ liệu cũng như ứng dụng AI vào trong hoạt động kinh doanh của mình thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Mặt khác, về bản chất, dữ liệu vẫn luôn luôn được khai thác và trong bối cảnh hiện nay những thông tin có ích cho các doanh nghiệp đang rất nhiều. Do đó, chúng ta cần nghĩ đến vấn đề tương tác công nghệ để có thể sử lý được dữ liệu một cách hiệu quả nhất. Ông Tuấn cho rằng, dữ liệu luôn luôn quan trọng, nhưng để khai thác dữ liệu như thế nào để có ích cho doanh nghiệp thì lại càng quan trọng hơn.
Thực tế, dữ liệu đã có từ rất lâu và mọi người cũng biết chia sẻ nó nhằm phục vụ cho các hoạt động của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải độ lớn dữ liệu đó là bao nhiêu, mà quan trọng là đầu vào của dữ liệu đó có sẵn sàng để sử dụng hay không và sử dụng như thế nào mới là vần đề quan trọng.
Lấy ví dụ từ câu chuyện thu thập dữ kiệu của thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks, sau 3 năm thu thập dữ liệu hành vi của khách hàng khi bước chân vào cửa hàng như thế nào và từ những kết quả thu được, họ đã bố trí các layout của cửa hàng sao cho phù hợp với hành vi của khách hàng và việc này đã giúp doanh thu của các cửa hàng tăng lên 30%.
Tựu chung, dữ liệu luôn luôn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, cần phải biết cách sử dụng dữ liệu đầu vào làm sao cho sạch, từ đó đưa ra được những đánh giá và áp dụng những dự liệu này vào việc kinh doanh hiệu quả cho chính doanh nghiệp của mình.