Dịch Covid-19 gây ra nhiều thay đổi lên nền kinh tế toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Đáng chú ý, do ảnh hưởng bởi các quy định cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng đã dần quen thuộc hơn với việc mua sắm trực tuyến và tiêu dùng thông thái. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và cũng đồng thời là thách thức cho các doanh nghiệp truyền thống, buộc các họ phải chuyển đổi/hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ truyền thông và hệ sinh thái để nhanh chóng đưa các sản phẩm đến người tiêu dùng.
Việc nghiên cứu phát triển thêm các kênh thương mại mới, ứng dụng CNTT và áp dụng TMĐT để tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng là những biện pháp mà Cục Xúc Tiến Thương Mại nhấn mạnh doanh nghiệp cần chú trọng.
Chia sẻ bên lề tại Hội thảo "Doanh nghiệp hậu Covid-19: Nền kinh tế liên minh tạo sức bật phát triển", ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT (Vecom) cho biết thực tế TMĐT tại Việt Nam cũng đang phát triển với tốc độ tăng trưởng vào khoảng 30-35%, đặc biệt giai đoạn dịch Covid-19 con số tăng lên hơn 40%.
Còn nói về sức mua giảm, ông Dũng khẳng định thực tế sức mua không hề giảm, người ta ở nhà nhiều hơn, online nhiều hơn dẫn đến mong muốn mua nhiều hơn. Thống kê cũng cho thấy, số lượng người mua hàng và giao dịch tăng. Số lượng đơn hàng tăng, người mua hàng tăng, người mua hàng mới tăng.
"Một điều đáng mừng cho các sàn TMĐT chúng ta có thêm một lực lượng khách hàng rất lớn", ông Dũng nói. Điển hình các sàn đều gia tăng số lượng, thành viên mới mua hàng tăng đến 42%. Doanh số có thể không cao vì hàng đắt tiền họ không mua nữa nhưng mà số lượng tham gia thì rất cao.
Tuy nhiên, một bất cập của TMĐT thời gian qua là không có hàng để bán. Ví dụ hàng từ Nhật từ Đức… dẫu người ta có muốn mua cũng không có hàng để bán. Siêu thị kể cả các sàn trực tuyến mất đi một nguồn hàng do hạn chế giao thương, đó cũng là bài học cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Anh không lên TMĐT thì anh không thể tồn tại", vị này nhấn mạnh. Dịch Covid-19 như một lời cảnh tỉnh về việc thúc đẩy bán hàng trực tuyến, những doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững trong thời buổi nhiều biến động ắt tự giác đi tìm hiểu, xây dựng kênh online. Mọi người sẽ giật mình vì sao không làm TMĐT sớm, đến nay gặp đại dịch thì bắt buột phải làm.
Cũng như việc họp trực tuyến, trước đây có bảo cũng không ai làm. Nhưng thời gian qua nhiều trường đã bước đầu thực hiện dạy học online, đồng thời bắt đầu xây giáo trình. Sau này nếu hệ thống tốt thì 2 bên online và offline sẽ "mix" lại với nhau, vận hành song song. Kết quả, tương lai tới sự tương tác qua lại giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh sẽ lên một tầm cao mới.
Trở lại vấn đề bán hàng trực tuyến, đối với các công ty đầu tư lớn phải có những báo cáo, thông qua đó Vecom sẽ phối hợp và tìm kiếm để kết nối các sàn. Không phải cứ muốn quăng lên TMĐT là bán, phải có sự tư vấn trước.
Lấy ví dụ Vinamilk tạo ra chương trình Giấc mơ sữa việt tạo ra thay đổi lớn. Trên vai trò tư vấn, Vecom cho biết đây là mô hình bán online và offline là chung, đặc biệt chỉ có 1 giám đốc quản lý, ghi nhận doanh thu về một chỗ, tránh được xung đột nội bộ.
Nói đến TMĐT ai cũng hình dung là Omi Channel (bán hàng đa kênh), tức doanh nghiệp không cần xuất hiện trên website nhưng sản phẩm vẫn nằm trên các sàn online. Lúc này, Vecom sẽ có sự kết nối, làm sao để người bán đưa hàng lên dễ dàng, và kêu gọi các sàn hỗ trợ bán hàng.
"Nếu nói khó khăn để làm TMĐT thì hàng ngàn khó khăn, nhưng thực tế dịch Covid-19 thì thằng kế bên bán hàng online nó sống thì mình phải học để bán. Không phải không có tiền, nhưng không phải ai cũng biết bắt đầu từ đâu. Để làm TMĐT thì yếu tố cần thiết là tư duy người làm có quyết tâm, và cần thiết làm hay không?", đại diện Vecom chốt vấn đề.