Để thị trường bất động sản công nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam cần có các chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu, phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng...
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam diễn ra sáng nay (19/6), ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea), đánh giá bất động sản công nghiệp đang nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19, môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện, Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực…
Năm 2019, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm, sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Báo Thương Gia. |
Phó Chủ tịch VNRea dẫn số liệu từ Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến cuối tháng 3, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu đang xây dựng. Loại hình bất động sản này đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, có sự tăng nhanh về số lượng, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường.
Ông cũng đặt vấn đề làm thế nào để bất động sản công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn?
Theo ông, Việt Nam cần hướng đến giải quyết một số vấn đề như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các địa phương cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động...
"Cùng với bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng phục hồi và tăng trưởng trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới", ông Nguyễn Mạnh Hà nói.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay và sau đại dịch Covid-19 khá bất định. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư.
"Việc nước ta sớm có chuyển biến trong đẩy lùi đại dịch Covid-19 có thể được nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của Chính phủ. Nếu tiếp tục duy trì những chuyển biến này, cùng với việc kịp thời xây dựng và chuyển dần sang thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid-19, chúng ta sẽ có cơ hội không nhỏ để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng", bà Minh đánh giá.
Viện trưởng CIEM cho rằng hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước... mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương.
"Phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc", bà Minh nói và nhấn mạnh từng địa phương và từng khu công nghiệp phải "vượt qua được nỗi sợ khác người".
Ở góc độ chính sách, bà Minh cũng cho rằng ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp mà cả về hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp.