Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng. Ảnh: thanhnien.vn
Ngày 13/12, Báo Thanh Niên đã tổ chức Diễn đàn bất động sản 2022: Proptech - xu hướng tất yếu của thị trường.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở; thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại bất động sản tại các đô thị... làm cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy cho thị trường bất động sản.
Chia sẻ về hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, Thứ trưởng cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã tích cực triển khai chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, quản lý hệ thống thông tin khách hàng, giao dịch khách hàng... Dù giãn cách xã hội nhưng kinh doanh bất động sản vẫn sôi động, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Sinh cũng cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản còn chậm hơn so với các lĩnh vực khác; nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bất động sản còn hạn chế; các nền tảng ứng dụng được nghiên cứu, thiết lập chỉ đáp ứng một phần của chu trình giao dịch bất động sản, thiếu các thông tin, dữ liệu có độ tin cậy.
Các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Bất động sản là mặt hàng có giá trị lớn nên việc thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến của người dân cần có thời gian.
Theo đó, thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến; chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm về chuyển đổi số.
Các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để phổ biến rộng rãi tới người dân sử dụng trong quá trình giao dịch bất động sản; đồng thời hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm hiện đại, đáng tin cậy...
Thị trường bất động sản không có dấu hiệu khủng hoảng
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). Ảnh: thanhnien.vn
Trình bày tham luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhấn mạnh, qua phân tích, so sánh cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại chưa có dấu hiệu khủng hoảng.
Cụ thể, 5 năm trở lại đây (từ 2018-nay) thị trường bất động sản có tinh trạng nguồn cung mới giảm dần. Nếu năm 2018 thị trường bất động sản có gần 200.000 sản phẩm mới được chào bán trên thị trường, thì đến năm 2019 bắt đầu chững lại. Nhiều dự án đang triển khai nhưng do chính quyền địa phương rà soát lại pháp lý phải tạm dừng, khiến nguồn cung bất động sản năm 2019 sụt giảm xuống gần 1 nửa còn khoảng 110.000 sản phẩm mới được đưa vào thị trường; đến năm 2020 dưới tác động của COVID-19, nhiều dự án dừng lại do giãn cách, lượng dự án đưa ra thị trường tiếp tục giảm 50%; Đến năm 2022, trong 9 tháng đầu năm cũng mới chỉ có 40.000 sản phẩm mới được đưa vào thị trường.
Cùng với nguồn cung sụt giảm, giá bất động sản tăng lên. Rõ rệt nhất là năm 2020, khi các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, tung ra các gói kích cầu, đầu tư vào bất động sản có dấu hiệu tăng đột biến. Sang đến năm 2021, thị trường bất động sản đón nhận hàng loạt cơn sốt đất, số lượng nhà đầu tư tham gia tăng rất mạnh. Giá bất động sản bị đẩy lên cao tới mức không còn phù hợp với nhu cầu đại đa số người tiêu dùng.
Đến thời điểm hiện tại, giá bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều dự án đã bắt đầu điều chỉnh giảm giá bán. Đây là thời điểm mọi người đặt vấn đề thị trường bất động sản liệu có lặp lại chu kỳ khủng hoảng trước đây (2008-2013)?
So sánh hiện tượng của năm 2008-2013 với giai đoạn 2018-2022, ông Đính cho biết, có một số điểm chung, thứ nhất là đều phát triển nóng, nguồn vốn chảy vào bất động sản mạnh, đẩy giá lên cao, tạo cơn sốt đất, cơ cấu sản phẩm không hợp lý; thứ 2 là đều bị thắt chặt tiền tệ, doanh nghiệp khó huy động vốn.
Tuy nhiên, thị trường hiện tại cũng rất khác so với năm 2008-2013 là: Trước đây các dự án không bị vướng mắc pháp lý như hiện nay; trước cung nhiều hơn cầu, nay cung ít cầu nhiều; giai đoạn trước gặp phải suy thoái kinh tế (khủng hoảng tài chính thế giới 2008), nay kinh tế ổn định; trước quy mô dự trữ ngoại hối nhỏ nay dự trữ ngoại hối khá lớn, nền tảng kinh tế vững chắc hơn; trước thị trường trầm lắng kéo dài, nay chỉ mới xuất hiện.
Theo đó, Phó Chủ tịch VNREA khẳng định, trong bối cảnh kinh tế ổn định, thị trường còn dư địa, khó có thể nói bất động sản có dấu hiệu khủng hoảng. Ông Đính cho rằng, tạm thời do một số sản phẩm chưa phù hợp với thị trường, cung ít hơn cầu, thời gian tới khi các dự án được giải toả về mặt pháp lý sẽ giúp cân bằng lại thị trường, đáp ứng được nhu cầu số đông của khách hàng.