Sáng ngày 17/9, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương tổ chức.
Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lực tái tạo (Bộ Công thương), ông Nguyễn Tuấn Anh đã nêu lên một số chính sách phát triển hạ tầng bền vững, đồng thời nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng.
Đối với các chính sách chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững, Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Anh đánh giá ngành năng lượng nước ta trong thời gian vừa qua đã có những bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ trong hầu hết các lĩnh vực và phân ngành năng lượng.
Hạn chế khi thị trường năng lượng tái tạo còn "non trẻ"
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành năng lượng quốc gia vẫn còn đối mặt với nhiều hạn chế, thách thức.
Mục tiêu để đảm bảo an ninh năng lượng đối với quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Điển hình, nguồn cung năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến nhập khẩu ngày càng lớn.
Một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp.
Liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng ngành năng lượng, ông Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra vẫn còn nhiều bất cập. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao; chất lượng, năng suất lao động trong lĩnh vực còn thấp.
Do vậy, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng cần phải nhìn nhận lại những chính sách vừa qua, cũng như đề xuất các chính sách mới. Ông nhận định rằng Nghị quyết 55 chính là cơ sở để ban hành chính sách năng lượng theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Trên thực tế, thông qua những chính sách thu hút, đến nay đã có rất nhiều dự án nhà máy điện đã và đang triển khai theo hình thức BOT.
Nhìn chung, những dự án nguồn điện đầu tư hình thức BOT đều có vốn lớn, công nghệ phức tạp, góp phần quan trọng cung ứng điện trong hệ thống điện quốc gia.
Các dự án này được xem như là một trong những biện pháp quan trọng nhằm huy động vốn, để phát triển kết cấu hạ tầng ngành điện. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, hình thức này giảm bớt áp lực tình trạng thiếu nguồn điện, giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước.
Ngoài ra, hình thức này còn đem lại lợi ích khác như: chuyển giao công nghệ, sử dụng vốn, sáng kiến, trình độ quản lý,...
Đối với năng lượng tái tạo, Phó Cục trưởng nhấn mạnh, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công thương đã trình Chính phủ phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, điện mặt trời theo biểu giá bán điện cố định, giá FIT trong 20 năm.
Khi thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn đang mới, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, Việt Nam đã áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định, giá FIT. Đây cũng là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng hầu hết trên các nước trên thế giới, khi thị trường còn non trẻ.
Gỡ vướng các quy định độc quyền trong truyền tải lưới điện
Trên thị trường Việt Nam hiện có gần 6.000 MW từ năng lượng tái tạo vào vận hành phát điện, góp phần cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao, chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vẫn cần tập trung vào các chính sách như hạ tầng truyền tải, điều độ vận hành hệ thống điện cũng như khai thác các công nghệ kỹ thuật số, đảm bảo phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Về chính sách phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Bộ sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, các nhà đầu tư phát triển được lựa chọn, đưa ra giá điện từ các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng tuy mất nhiều thời gian thực hiện, nhưng cơ chế này sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, bảo đảm sự hài hoà, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải.
Ngoài ra, đối với các quy định trong Luật Điện lực về độc quyền hoạt động truyền tải lưới điện cần xem xét, sửa đổi. Cụ thể, cần tách bạch đầu tư xây dựng với độc quyền nhà nước quản lý vận hành về truyền tải lưới điện.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng, cần phải xác định phạm vi đầu tư, hạ tầng, lưới điện truyền tải nào được đầu tư.
Thành tựu của các dự án nguồn năng lượng ngay cả khi không có bảo lãnh Chính phủ
Trong thời gian qua, rất nhiều dự án điện Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước cũng như nước ngoài.
Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, tính đến tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia hiện nay đã có 99 nhà máy điện mặt trời vận hành, với tổng công suất trên 5.000 MW.
Thêm vào đó, 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với công suất 430 MW; 325 MW điện sinh khối; 10 MW điện chất thải rắn.
Như vậy, tổng công suất điện gió và điện mặt trời khoảng 5.500 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn điện hệ thống.
Thông thường, đối với các dự án như điện than, điện khí, đầu tư theo hình thức BOT hay các dự án điện khí mà hiện nay các địa phương đang đề xuất thì yêu cầu các dự án này có bảo lãnh chính phủ để triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, hiện các dự án nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh chính phủ. Việc nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh chính phủ chính là điểm tích cực trong thu hút đầu tư ngành điện.
Bên cạnh việc đầu tư nguồn điện, doanh nghiệp tư nhân còn tích cực đầu tư các dự án lưới điện như các đường dây, trạm biến áp để kết nối từ các nguồn điện vào hệ thống điện quốc gia, ví dụ điển hình như trạm biến áp 500kV do tập đoàn Trung Nam đầu tư.
Cuối cùng, Phó Cục trưởng kết luận trong thời gian tới, điều quan trọng là xây dựng chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tham gia đầu tư vào hạ tầng năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng sạch.