Thực tế trên được ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu ra tại buổi đối thoại chuyên đề “Nhận diện xu hướng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam– VnEconomy– Vietnam Economic Times tổ chức ngày 15/11.
Ông Hưng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với các loại hình căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng để các chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định. Như vậy, đến nay, các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các loại hình dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã tương đối đầy đủ.
Hiện nay, Nghị định số 76 hướng dẫn Luật kinh doanh bất động sản đang được sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, Bộ cũng đang trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội giai đoạn năm 2022-2023 có sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản.
Ông Hưng cho biết đối với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, các loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, khách sạn đã được quy định cụ thể, quản lý, sử dụng theo Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định 168/2017/NĐ-CP về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch.
Theo pháp luật về đầu tư, loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư theo trình tự thủ tục của một dự án có sử dụng đất như thông thường. Còn theo pháp luật xây dựng, việc quản lý hoạt động xây dựng đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng này được thực hiện như với các công trình xây dựng dân dụng có mục đích thương mại và dịch vụ.
"Theo tôi, có 2 vấn đề liên quan tới pháp luật mặc dù đã có nhưng còn đang vướng hiện nay đó là đất đai của dự án và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Hiện nay, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được quản lý theo hướng được mua bán như đối với các công trình xây dựng có sẵn hoặc các công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, có một số điều kiện về mẫu hợp đồng cho sản phẩm này hay các điều kiện thủ tục để được bán các sản phẩm thành trong tương lai… thì chưa được quy định một cách cụ thể", ông Hưng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo ông Hưng trong thời gian tới, sẽ phải tiếp tục hoàn thiện các quy định, có các quy định cụ thể hơn về những vấn đề liên quan đến mẫu hợp đồng mua bán các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, các điều kiện để được bán các bất động sản hình thành trong tương lai… tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các loại hình sản phẩm này phát triển.
Nhận định về thị trường nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới, ông Hưng cho biết trong giai đoạn tiếp theo, các loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có một số đặc điểm chính. Thứ nhất, mỗi loại hình bất động sản du lịch (biển, miền núi hay đồng bằng) sẽ có những ưu thế riêng và phù hợp với các nhóm khách hàng khác nhau. Có nhiều nhóm khách hàng không thích đi biển thì sẽ lên núi. Ví dụ, trong bán kính khoảng 100 km xung quanh Hà Nội, những khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn vẫn rất ít. Còn những khu nhỏ lẻ có nhiều nhưng lại không đáp ứng được các nhu cầu phong phú của người dân.
Do đó, nhiệm vụ của các nhà đầu tư và thị trường là đáp ứng đầy đủ nhu cầu này của khách. Các nhà đầu tư sẽ nắm bắt được các nhu cầu với các tệp khách hàng khác nhau để đầu tư đước các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng.
Thứ 2 là các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới sẽ mang tính quy mô lớn và đa mục tiêu, nhiều tiện ích trong một dự án. Trong quá khứ là các dự án truyền thống có 2 chức năng chính ăn ngủ là chủ yếu. Nhưng trong thời gian tới sẽ phải có thêm chức năng nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, thể thao... đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Thái Lan có mô hình nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe rất thu hút người Việt sang.
Thứ 3 các dự án khai thác, tận dụng được tối đa và bảo tồn các điều kiện cảnh quan tự nhiên, danh lam, di tích lịch sử văn hóa xung quanh cùng các tiện ích nội khu dự án,… sẽ thành công.