Ngày 12/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bô Thông tin và Truyền thông. Tại đây, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hoá, ông Đỗ Công Anh phát biểu: "Năm 2020 khép lại với rất nhiều sự kiện. Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục phức tạp, có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn thế giới".
"Tuy vậy, đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt và tận dụng cơ hội để bứt phá, đẩy mạnh thực hiện Chuyển đổi số quốc gia", ông Đỗ Công Anh cho hay.
Điểm lại một số thành tựu ấn tượng công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam năm 2020, đại diện Cục Tin học hoá cho biết, năm 2020, khoảng 23 triệu người dân đã cùng ứng dụng công nghệ để tham gia chống dịch, trong đó có gần 18 triệu người dân khai báo số điện thoại. Trong đại dịch, 80% học sinh, sinh viên đã tham gia học trực tuyến. Mức độ quan tâm, tìm hiểu về Chuyển đổi số tăng gấp 8 lần so với đầu năm 2020.
Đặc biệt, ngành Y tế đã triển khai hơn 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa được kết nối, triển khai phần mềm quản lý cơ sở y tế phủ khắp 12.000 trạm y tế. "Nếu không có khám chữa bệnh từ xa thì việc chuyển tuyến mất 6 giờ và người bệnh có thể tử vong", Phó Cục trưởng nhận định.
Đối với lĩnh vực giáo dục, trong năm 2020, có khoảng 53.000 trường học; 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh; 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến giai đoạn Covid-19 vừa qua (trung bình cả nước 67,15%).
Theo Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh, muốn thực hiện hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn, toàn diện hơn. Từ đó, đại diện Cục Tin học hoá đã đưa ra 5 giải pháp trọng tâm nhằm tăng tốc chuyển đổi số ngay trong năm 2021:
Năm 2021, xác định hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản chính phủ điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để chuyển sang xây dựng Chính phủ số. Hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên phạm vi toàn quốc 2 cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, là dân cư và đất đai trong năm 2021.
Năm 2021, thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Ngoài những cam kết ưu đãi của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số ngày hôm nay, chương trình sẽ thường xuyên đánh giá hiệu quả, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để liên tục điều chính, đáp ứng mục tiêu đề ra.
Năm 2021, mỗi lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia sẽ xác định ra những nền tảng quốc gia quan trọng để xây dựng và triển khai trên toàn quốc. Năm 2020, lĩnh vực Y tế, Giáo dục đã xác định cho mình các nền tảng quốc gia của mình, Bộ TTTT sẽ phối hợp cùng các bộ ngành khác để cùng triển khai.
Năm 2021, những nền tảng cốt lõi phục vụ kinh tế số, xã hội số cần phải được tiếp tục hoàn thành. Cụ thể, nền tảng định danh số trên thiết bị di động, nền tảng thương mại điện tử, logistics, nền tảng thanh toán mobile money. Mỗi người dân sẽ được định danh, xác định thông qua thiết bị di động, thanh toán được thông qua tài khoản di động, tiến hành các hoạt động thương mại, mua và bán hàng trên mạng.
Các nền tảng này góp phần đưa cuộc sống người dân Việt Nam lên môi trường số nhanh và an toàn hơn, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn, miền núi. Năm 2021 là năm thực hiện các sáng kiến Mở để phát triển và làm chủ công nghệ số đặt ra trong Diễn đàn Vietnam Open Summit 2020.
Năm 2021, mỗi xã phổ cập 1 dịch vụ số cho người dân. "Nếu thấy việc khám bệnh qua mạng tiện lợi hơn, bán hàng qua mạng thu được nhiều lợi nhuận hơn, người dân sẽ tự tìm tòi để sử dụng, khám phá thêm các dịch vụ số khác, cũng giống như các mà người dân học nhắn tin qua ứng dụng hoặc nghe nhạc trên mạng", Phó Cục trưởng Đỗ Công Anh kết luận.