Đây là lần đầu tiên Cốc Cốc bị Google ‘chèn ép’ hay trước đây đã từng xảy ra những sự việc tương tự ?
Đây không phải là lần đầu và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối Google có những động thái cạnh tranh không lành mạnh với Cốc Cốc. Bởi tại thị trường Việt Nam, Cốc Cốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google. Bên cạnh đó, Google không chỉ chèn ép một mình Cốc Cốc. Vì vị thế độc quyền đem lại rất nhiều lợi ích cho họ nên Google sẽ làm mọi cách để hạn chế tối đa đối thủ cạnh tranh.
Ví dụ, Google khoá tài khoản quảng cáo và không duyệt nhiều mẫu quảng cáo của Cốc Cốc dù không vi phạm quy định. Cụ thể là cùng 1 nội dung quảng cáo nhưng tài khoản của Cốc Cốc không được Google duyệt, nhưng nếu chạy thông qua 1 agency thì sẽ được duyệt.
Còn đối với trình duyệt và công cụ tìm kiếm, cái khó nhất là ở phiên bản mobile vì ở thời điểm hiện tại, Google đang hoàn toàn kiểm soát Android cũng như Play Store, và Google cũng đang mạnh tay chi tiền cho Apple hàng tỷ USD mỗi năm chỉ để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên Safari. Cho nên, mỗi lần app mobile Cốc Cốc phát hành một tính năng mới và có tiềm năng thì Google sẽ thường tìm cách để ngăn chặn.
Ngoài việc lợi dụng chuỗi UA để ngăn chặn người dùng Cốc Cốc đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt, khi truy cập một số dịch vụ khác của Google như Google Sheet, Google Meet, … trên Cốc Cốc, người dùng sẽ bị chặn và nhận được cảnh báo cần nâng cấp hoặc chuyển sang dùng trình duyệt Google Chrome.
Lý do đằng sau cho những hành động ‘chơi xấu’ này của Google là gì?
Đầu tiên phải nói rằng hành động này của Google không chỉ nhằm đến Cốc Cốc hoặc thị trường Việt Nam nói riêng. Google vốn có hệ sinh thái rất rộng và đã thống lĩnh nhiều lĩnh vực từ công cụ tìm kiếm, trình duyệt, nền tảng video, hệ điều hành di động, hệ thống quảng cáo… và luôn luôn dùng lợi thế đó để triệt tiêu sự cạnh tranh của các đối thủ nhằm tiếp tục giữ vững thế độc quyền.
Chính vì nguyên nhân này nên vấn đề Google bị phạt đã không còn quá mới mẻ bởi họ từng vướng vào nhiều án phạt ở nhiều quốc gia. Mới đây, Bộ tư pháp Mỹ và châu Âu cũng vừa đưa ra án phạt cho Google vì hành vi lạm dụng vị thế.
Đơn cử như trình duyệt FireFox đã bị Google thâu tóm, và phần lớn doanh thu của FireFox ở thời điểm hiện tại là đến từ nguồn tiền mà Google chi trả.
Một ví dụ về việc Google có thể hoàn toàn kiểm soát các công cụ tìm kiếm trên di động đó là việc sở hữu Android, Play Store và năm 2021 họ sẽ trả cho Apple khoảng 15 tỷ USD cho việc trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone (chia trung bình ra thì Google chi khoảng 15 USD/năm cho mỗi máy iPhone, nếu tính chi phí cho thị trường Việt Nam thì chi phí Google phải trả cho Apple sẽ khoảng 400 triệu USD).
Ngoài ra, sản phẩm của Cốc Cốc tốt hơn Chrome ở nhiều điểm về các tiện ích, tính năng nổi trội, phù hợp với nhu cầu của người dùng Việt Nam như download, khả năng load trang nhanh x2 lần, loại bỏ những quảng cáo gây phiền nhiễu…
Vì vậy mà Google lo ngại sự phát triển của Cốc Cốc gây ảnh hưởng xấu tới vị thế của Google. Đây là cuộc chơi cá lớn "nuốt" cá bé, triệt tiêu cạnh tranh để chiếm vị thế độc tôn.
Việc thay đổi chuỗi này sẽ gây ra những bất lợi gì cho người dùng hay có ảnh hưởng gì tới môi trường cạnh tranh về công cụ tìm kiếm và trình duyệt?
Về ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh của trình duyệt và công cụ tìm kiếm, Cốc Cốc sẽ bị tác động tiêu cực. Bởi lẽ, việc thay đổi chuỗi này sẽ khiến việc thống kê số liệu phân tích sẽ trở nên khó khăn hơn.
Một số đơn vị như Statcounter đều dùng UA để tổng hợp số liệu. Việc thay đổi UA sẽ kéo theo thuật toán sẽ không thể phân biệt đâu là người dùng Google, đâu là người dùng Cốc Cốc. Dẫn đến Cốc Cốc bị sụt giảm về số liệu thống kê thị phần, người dùng,… trong khi số liệu thực tế không giảm.
Thế nhưng, khi phải cân nhắc giữa lợi ích công ty/thương hiệu của Cốc Cốc và lợi ích của người dùng Việt Nam, Cốc Cốc sẽ luôn chọn người dùng.
Bên cạnh đó, việc thay đổi này sẽ không tác động gì lên trải nghiệm người dùng. Đây chỉ là thay đổi về mặt kỹ thuật. Thậm chí người dùng còn được hưởng lợi do không còn bị Google chặn trên nhiều dịch vụ nữa, quá trình duyệt web sẽ diễn ra mượt mà và suôn sẻ hơn.
Lựa chọn chuyển sang UA của Chrome là để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trong quá trình sử dụng. Người dùng của Cốc Cốc sẽ không gặp những lỗi không đáng có do Google chặn Cốc Cốc nữa.
Việc thay đổi này sẽ là giải pháp tạm thời hay là giải pháp lâu dài của Cốc Cốc? Cốc Cốc đã nghĩ ra được phương án lâu dài nào chưa để tránh những hiện tượng ‘chèn ép’ tiếp tục xảy ra lần nữa từ phía Google, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng?
Thật ra điều này hơi khó để nói, việc cạnh tranh với Google giống như trò chơi mèo và chuột. Ví dụ như trên Youtube, Cốc Cốc có công cụ lọc quảng cáo để có thể giúp người dùng có trải nghiệm tốt nhất và luôn phải cập nhật thường xuyên do Google luôn tìm cách để phá tính năng đó của Cốc Cốc.
Mỗi lần Cốc Cốc thay đổi thì Google cũng sẽ thay đổi theo để ngăn chặn với mục đích muốn giấu đi số liệu thị phần của Cốc Cốc, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Giải pháp tạm thời thì Cốc Cốc sẽ phải cung cấp chi tiết hơn về số liệu thống kê cho các đơn vị như Statcounter và có thể thời gian tới Cốc Cốc sẽ quay lại sử dụng chuỗi UA của Cốc Cốc.
Thế nhưng, tạm thời hay lâu dài thì Cốc Cốc cần phải xem xét tác động tới trải nghiệm của người dùng. Khả năng quay lại sử dụng UA của Cốc Cốc chỉ có thể xảy ra nếu có thể giải quyết toàn bộ những lỗi người dùng hay gặp phải do Google chặn.
Cốc Cốc đã phải cân nhắc và chuẩn bị rất dài trước khi chính thức công bố tin tức ra truyền thông. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình này được một thời gian và chính thức hoàn tất việc thay đổi kể từ đầu tháng 9/2021
Về giải pháp lâu dài hướng đến giải quyết triệt để hiện tượng chèn ép, Cốc Cốc không thể làm một mình, vì cơ bản vị thế cả về nguồn lực công nghệ và tài chính Cốc Cốc không thể bằng Google. Vấn đề chỉ có thể giải quyết nếu có sự phối hợp và hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.
Cốc Cốc có kiện Google về hành vi này ra toà không?
Thật ra việc này nếu có thể thì cũng tốt thôi nhưng thật tế sẽ rất là khó xảy ra. Cũng như những vụ việc tương tự trên thế giới, Cốc Cốc sẽ không phải là đơn vị đứng ra kiện trực tiếp Google và Cốc Cốc chưa có kế hoạch làm thế.
Cốc Cốc chỉ muốn đưa vấn đề về chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh ra công chúng để người dùng và các cơ quan quản lý có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, Cốc Cốc luôn chuẩn bị sẵn, hoặc là thu thập các chứng cứ, rồi còn tuỳ vào hành động của Google nếu Google còn tiếp tục chèn ép quá đáng. Nếu như có bất cứ kế hoạch nào từ chính phủ hướng tới những hành động pháp lý tới Google, Cốc Cốc sẵn sàng hỗ trợ cung cấp những tư liệu, bằng chứng và góc nhìn.
Việc Google chèn ép các doanh nghiệp nhỏ để tăng yếu tố độc quyền cho mình không phải là vấn đề mới, như vụ việc của Brave hay Vivaldi đã được Cốc Cốc nhắc đến cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Cốc Cốc có đề xuất gì về giải pháp giúp bảo vệ sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh trên môi trường không biên giới với những đối thủ khổng lồ như Google?
Môi trường cạnh tranh không lành mạnh có thể sẽ "dìm chết" các công ty nhỏ ngay khi mới xuất hiện. Hoặc các công ty nhỏ sẽ phải chơi theo "luật riêng" của các ông lớn mà theo đó, lợi ích chủ yếu sẽ do các "ông trùm" nắm giữ, lâu dần các công ty độc quyền sẽ gây sức ép rồi tiến hành thâu tóm như cách Facebook đã từng làm với Instagram và WhatsApp.
Để ngăn chặn sự việc tiếp tục tái diễn, cần có những luật chống độc quyền mang tầm quốc tế (giữa các quốc gia, khu vực, châu lục…) và sự chung tay của những công ty có chung mối quan tâm.
Bên cạnh đó, những quy định về pháp lý cũng rất quan trọng trong vấn đề này. Nhưng không phải thay đổi quy định là sẽ giải quyết được. Nếu muốn thay đổi quy định thì cũng phải có những phương án lựa chọn khác đi kèm vì có thể người dùng chỉ có duy nhất Google làm công cụ tìm kiếm, nếu không thì việc đưa ra quy định cũng sẽ không giải quyết được vấn đề.
Ví dụ ở Nga, họ có một công cụ tìm kiếm, thật ra là một vài công cụ tìm kiếm có đủ khả năng để cạnh tranh với Google và lúc này việc nước Nga ra quy định kiểm soát tình trạng độc quyền thì mới có hiệu quả. Lý do bởi vì người dùng đã có nhiều lựa chọn để tìm kiếm hơn nên việc Chính phủ Nga đưa ra các quy định sẽ giúp môi trường cạnh tranh trở nên công bằng hơn.
Thật ra, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã nghĩ đến vấn đề này trong kế hoạch chuyển đổi số và cũng đã nghiên cứu cách các quốc gia bên châu Âu như Nga, Anh, Pháp đã làm để chống tình trạng độc quyền của Google. Đơn cử tại châu Âu, Google đã bị phạt lên tới 1,7 tỷ USD do vi phạm quy định chống độc quyền của Liên minh Châu Âu (EU) trong ngành kinh doanh quảng cáo trực tuyến. Trước đó, EU đã từng phạt Google 5,1 tỷ USD do cạnh tranh không lành mạnh với đối thủ trên nền tảng di động Android.
Ở đây, quan trọng là luật pháp sẽ dần dần được sửa đổi. nhất là các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa. Đây sẽ là một con đường dài mà Việt Nam cần phải khéo léo, vì chúng ta không giống với Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia có quy mô rất lớn, họ có thể cấm luôn nhưng Việt Nam lại khó có thể làm được như vậy vì chúng ta không đủ lớn về quy mô, mà cũng không nên làm như vậy vì nó sẽ ảnh hưởng đến người dùng. Cho nên là phương án tốt nhất đó là có những quy định để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh công bằng.
Năm ngoái, Cốc Cốc đã đạt lợi nhuận 30 tỷ đồng. Nhưng với việc bị Google "chèn ép" gần đây cộng thêm diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn đang phức tạp thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận năm nay của Cốc Cốc?
Cốc Cốc luôn cố gắng để tăng doanh thu cũng như margin %, tất nhiên là con số sẽ không thể bằng so với năm ngoái vì thời điểm lên kế hoạch doanh thu, Cốc Cốc không lường trước được việc dịch bệnh sẽ kéo dài như thế này. Vì thế mà điều này sẽ khiến Cốc Cốc gặp khó khăn hơn trong việc đạt kế hoạch lợi nhuận đã được đề ra trước đó. Bây giờ mục tiêu của Cốc Cốc lúc này sẽ cố gắng cân bằng giữa các khoản lỗ với doanh thu những khoản cần đầu tư của Cốc Cốc ví dụ như các chiến dịch marketing để thu hút người dùng.