Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo là một chính sách đúng đắn. Bởi trong tương lai, Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu điện.
"Điện hạt nhân chúng ta đã dừng rồi, thuỷ điện gần như cạn kiệt, nhiệt điện cũng gây nhiều tác hại", ông nói và cho biết định hướng sẽ là tập trung vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
"Nhờ có chính sách ưu đãi nên rất nhiều dự án điện mặt trời được đầu tư ở Việt Nam. Có thể nói Việt Nam sẽ trở thành cường quốc điện mặt trời trong thời gian rất ngắn", ông Võ Quang Lâm, Phó TGĐ EVN nói.
Ông Lâm cho biết tính đến 30/5, đã có 47 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.300MW dược đấu nối lưới điện quốc gia. Còn dự kiến trong tháng 6 sẽ có thêm 49 dự án với tổng công suất khoảng 2.600 MW. Như vậy Việt Nam sẽ có xấp xỉ 5.000 MW trong thời gian rất ngắn.
Trong tháng 3, EVN đã họp với các nhà đầu tư để ký các hợp đồng mua bán điện. "Khoảng 200 nhà đầu tư đã đến EVN để cùng tháo gỡ, giải toả vấn đề về công suất một cách nhanh nhất", ông Lâm nói.
EVN cũng đã thành lập tổ công tác tại các công ty điện lực, đặc biệt ở các vùng có nhiều dự án điện mặt trời. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể lên website để theo dõi tiến độ - đại diện EVN cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh EVN đã tút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ đấu nối cho các nhà đầu tư. "Thời gian chỉ còn một nửa, doanh nghiệp được khai báo online, không phải gặp bất cứ ai cả", ông nhấn mạnh.
Vấn đề khó khăn nhất theo ông Lâm là giải toả công suất. Theo ông, để đầu tư được đường dây 220kV phải mất từ 3 – 5 năm, còn với đường dây 500kv thời gian còn dài hơn. "Lâu nhất là các thủ tục đất đai, đất rừng... phải xin ý kiến Thủ tướng nên việc thực hiện đấu nối thời gian sẽ dài hơn", ông Võ Quang Lâm nói.