Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Võ Quang Lâm cho biết đến hết năm 2018, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam là hơn 48.000 MW. Trong đó về cơ cấu, EVN chiếm 58%, Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm 4%, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chiếm 4%...
Nếu phân bổ theo cơ cấu nguồn điện thì nhiệt điện than đang chiếm phần lớn với 41%, thuỷ điện là 35%. Theo Phó TGĐ EVN, trong năm 2019, do tình hình thuỷ quan thấp nên lượng điện khai thác từ nguồn này nhiều khả năng sẽ giảm so với trung bình hàng năm. Con số dự kiến đưa ra là khoảng 70 tỷ kWh, thấp hơn 12 tỷ kWh so với năm 2018. Cũng phải nói thêm rằng trong năm 2018 thuỷ quan tương đối tốt, do vậy lượng điện thu về đạt 82 tỷ kWh, cao hơn 2 tỷ kWh so với trung bình các năm trước.
Nhiên liệu tái tạo theo ông Lâm cũng đã có bước đột phá ngoạn mục. Trong đó, ông lưu ý đến việc đưa được 4.400 MW điện mặt trời vào sản lượng điện chung. Con số 4.400 MW theo thống kê của các nhà khoa học đã gấp 400 lần sản lượng ở một số nước cũng có tiềm năng về điện mặt trời.
Tuy nhiên, ông Lâm chỉ ra rằng vì vướng cơ chế nên việc lắp đặt điện mặt trời gác mái một thời gian dài từ năm 2017 đến 26/5/2019 cơ bản không phát triển. Và phải đến khi Bộ Công thương sửa đổi cơ chế thì loại hình này mới phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, trong 3 tháng trở lại đây, điện mặt trời áp mái đã có hơn 4.000 hộ gia đình lắp đặt với sản lượng điện đạt 200 MW. Phó TGĐ EVN cho biết đến cuối năm 2019, kỳ vọng lượng điện mặt trời áp mái sẽ đạt thêm 300 MW.
Ông Lâm cho biết hiện Thái Lan đang rất tập trung vào phát triển loại hình điện mặt trời này, đặt ra những vấn đề cần lưu tâm cho Việt Nam trong thời gian tới. Hiện Việt Nam đang áp dụng mức giá thu mua điện mặt trời là 9,35 cent/kWh cho cả điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời áp mái. Bộ Công thương đang đề xuất giữ nguyên giá điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021 nhằm giúp loại hình này bùng nổ. EVN kỳ vọng đến hết năm 2020, điện mặt trời áp mái sẽ đạt được 2.000 MW.
Điện mặt trời áp mái, theo ông Lâm sẽ giảm được chi phí truyền tải, tăng hiệu suất cũng như áp lực về giá cả.
Ngoài ra, tại Diễn đàn, Phó TGĐ EVN cũng cung cấp một số thông tin về bức tranh ngành điện Việt Nam khi so sánh với các nước xung quanh. Theo đó, nếu so sánh về đường dây truyền tải điện 220kV và 500kV, Việt Nam đứng đầu ASEAN. Nếu tính về công suất và lượng điện thương phẩm, Việt Nam đứng thứ 2, sau Indonesia. Việt Nam đứng thứ 3 về mức độ tổn thất điện năng, tức kém Singapore và bám sát nước thứ 2 là Thái Lan. Về chỉ số tiếp cận điện năng, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực.