Năm 2021 đầy khởi sắc của chứng khoán Việt Nam, ông có thể chia sẻ về kết quả đầu tư của SSIAM?
Năm 2021 vừa qua các Quỹ chúng tôi quản lý cũng tiếp tục có kết quả vượt trội so với thị trường đơn cử như Quỹ SSI-SCA đạt tỷ suất 49.9% (lũy kế 220% kể từ khi thành lập 2016, tương đương mức lợi nhuận bình quân hàng năm 17,5%), hay SSIAM VNFinLead ETF với tỷ suất lợi nhuận 61,3%, (lũy kế 120% kể từ khi thành lập, bình quân năm 49,6%). Hoạt động đầu tư vốn tư nhân (private equity – PE) cũng thành công với thương vụ thoái vốn ở Đông Hải Bến Tre (Mã: DHC) với tỷ suất gần 3 lần sau 4 năm đầu tư, hay việc giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty Con Cưng, đơn vị bán lẻ Mẹ và Bé, với tỷ suất khoảng 7 lần sau 5 năm.
SSIAM sẽ tiếp tục chốt lời trong năm nay?
Kết quả đầu tư tốt của SSIAM không hẳn chỉ là việc chốt lời. Đầu tư là quá trình liên tục, chúng tôi luôn kìm kiếm những cơ hội ở các doanh nghiệp cơ bản, quản trị tốt, minh bạch, tiềm năng tươi sáng và có định giá hợp lý để mua vào và nắm giữ. Khi thị trường định giá phù hợp, chúng tôi sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu.
Năm 2021 lợi nhuận của SSIAM bao gồm việc thanh hoán một số khoản đầu tư hiện hữu và sự tăng trưởng giá của các khoản đầu tư mới, hướng tới mức chúng tôi kỳ vọng.
Trong năm 2022 định hướng phát triển sản phẩm của SSIAM như thế nào?
Về định hướng phát triển cho SSIAM, chúng tôi là một số ít các đơn vị trên thị trường có dải quản lí quỹ rất đa dạng, từ các quỹ mở đại chúng, quỹ cổ phiếu, trái phiếu đến những quỹ đầu tư vốn tư nhân. Chúng tôi cũng quản lí 7 quỹ ở hiện tại với tổng tài sản khoảng 13.000 tỷ đồng.
Trong năm 2022 này chúng tôi vẫn tập trung vào những sản phẩm hiện hữu, đẩy mạnh tăng trưởng giá trị tài sản thông qua huy động vốn mới cũng như thông qua sự vượt trội của lợi nhuận đầu tư. Đồng thời, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, thiết kế và triển khai thêm các quỹ ETF hay các quỹ thành viên đầu tư vốn tư nhân theo nhu cầu và xu hướng của thị trường trong thời gian tới.
SSIAM cũng là một trong số ít công ty quản lý quỹ được cấp giấy phép thành lập và vận hành quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Chúng tôi có kế hoạch ra mắt quỹ này trong năm 2022.
Tổng tài sản quản lý đã vượt 500 triệu USD, mốc 1 tỷ USD đã rất gần với SSIAM?
SSIAM đã lên định hướng chiến lược kinh doanh với tầm nhìn 3 – 5 năm. Mốc 1 tỷ USD được ban giám đốc đưa ra cách đây 2 năm và chúng tôi kỳ vọng đạt được trong vòng 2 năm tới.
Trở lại với từng mảng sản phẩm, đầu tư PE của SSIAM sẽ định hình thế nào, có "món hời" được tìm thấy trong đại dịch COVID-19?
Với đầu tư vốn tư nhân, đây là các khoản dài hạn nắm giữ 3 – 5 năm, SSIAM đồng hành với doanh nghiệp cả về mặt quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, hướng ra tầm nhìn thị trường nước ngoài, giúp đẩy mạnh sản phẩm và thương hiệu.
Dịch COVID-19 bùng nổ đã tác động rất lớn tới các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận đây là cơ hội tìm kiếm những doanh nghiệp có khả năng thích ứng cao để chuyển đổi số hay chuyển đổi những hình thức kinh doanh theo bình thường mới. Qua kinh nghiệm và mạng lưới đối tác quốc tế rộng khắp như SK của Hàn Quốc, CP của Thái Lan, DBJ hay Daiwa của Nhật Bản, SSIAM sẽ đưa nguồn lực vào hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài vấn đề tài chính còn có định hướng và chuyển đổi doanh nghiệp. Với mạng lưới đối tác rộng lớn cùng uy tín trên thị trường, SSIAM đã tiếp cận được nhiều doanh nghiệp để tìm hiểu và tiếp tục có lộ trình tiến tới các bước hợp tác tiếp theo
SSIAM có kỳ vọng về một khoản đầu tư như việc một startup trở thành kỳ lân?
Chúng tôi sẽ không đầu tư dàn trải vào vài ba mươi doanh nghiệp start-ups như các quỹ VC và kỳ vọng một trong số đó sẽ trở thành kỳ lân. Chúng tôi thường giải ngân chọn lọc vào từ 8 đến 10 doanh nghiệp, quy mô vừa và nhỏ, có triển vọng tăng trưởng cao trong các ngành được hưởng lợi từ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, trong 1 chu kỳ hoạt động quỹ từ 5-8 năm. Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất/dịch vụ, khai phá thị trường, lập các chiến lược kinh doanh khả thi, thực thi & giám sát chiến lược đó, kết nối các sản phẩm, dịch vụ của họ đến với thị trường và mạng lưới các đối tác.
Sản phẩm ETF, chứng chỉ quỹ mở định hướng phát triển sẽ ra sao, thưa ông?
Các quỹ ETF khá phổ biến với nhà đầu tư cá nhân tại các thị trường phát triển, khách hàng của các Quỹ ETF nội đa phần vẫn là nhà đầu tư nước ngoài, nhiều quỹ ETF lớn có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 90%. Do đó, một mặt, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ đối tác nước ngoài, mặt khác, tăng cường phát triển thị trường trong nước. Hiện nay ở Việt Nam, các quỹ ETF còn khá mới lạ và chưa nhận được mối quan tâm đúng mực, dù có nhiều lợi ích về chi phí thấp, khả năng đa dạng hóa rủi ro, thuận tiện khi giao dịch qua tài khoản chứng khoán. Do đó, bên cạnh việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, SSIAM cũng như các Công ty quản lý quỹ trên thị trường vẫn cần phải tiếp tục truyền thông cho nhà đầu tư trong nước hiểu hơn về sản phẩm và thấy được những lợi thế vượt trội của Quỹ ETF.
Về sản phẩm quỹ mở, hiện SSIAM có tương đối đa dạng các sản phẩm. Tiềm năng để tiếp tục nâng cao giá trị ủy thác và sự tham gia của các thành viên trên thị trường với các sản phẩm còn rất lớn. Do vậy, chúng tôi thiên về tập trung phát triển sản phẩm hiện hữu hơn là tạo ra thêm sản phẩm mới. Quỹ mới thành lập phải mất đến 6 tháng, hiện tại chúng tôi đã có những quỹ rất tốt để các NĐT có thể tham gia.
Ông vừa đề cập đến tiềm năng của NĐT nội, SSIAM sẽ làm gì với tập khách hành này?
Số NĐT tham gia thị trường chứng khoán trên tổng dân số hiện mới chỉ chiếm khoảng 4%, vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, thống kê thì trong năm vừa qua, NĐT cá nhân trong nước đã mua vào hơn 4 tỷ USD cổ phiếu và cũng chiếm tới hơn 80% tổng giao dịch trên TTCK. Trong khi đó thì tổng tài sản quản lý của các Quỹ tại Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới 6% GDP, và cũng mới chỉ có trên 200,000 tài khoản giao dịch các chứng chỉ Quỹ trong nước. Như vậy có thể thấy tiềm năng mở rộng tham gia của khối NĐT này vào các sản phẩm quỹ được quản lý chuyên nghiệp theo thông lệ trên thế giới còn rất lớn. Tất nhiên, SSIAM cũng như các thành viên thị trường khác cần tiếp tục có hoạt động truyền thông, đào tạo NĐT thường xuyên, như đào tạo kiến thức đầu tư, đào tạo hoạch định kế hoạch tài chính, quản trị rủi ro, hiểu cách vận hành của sản phẩm thông qua các điểm chạm phân phối của công ty chứng khoán, đối tác công ty bảo hiểm.
Ngoài ra, SSIAM cũng có đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng như hệ thống đặt lệnh online SSIAM OTG, eKYC v.v.... Những chuyển đổi số như vậy phù hợp với xu hướng thị trường. Sự thuận tiện sẽ hỗ trợ chuyển đổi hành vi đầu tư của thế hệ trẻ.
Năm Tân Sửu sắp qua, năm Nhâm Dần thường hi vọng "mạnh như hổ", ông nghĩ sao về chứng khoán Việt Nam năm nay?
Việt Nam thiện là một trong những ngôi sao sáng ở thị trường châu Á và trên thế giới trong khu vực thị trường cận biên. Chúng ta đang ở rất gần việc nâng hạng lên thành thị trường mới nổi. Việc từ cận biên lên mới nổi liên quan đến dòng vốn trên thế giới sẽ được phân bổ vào. Khi chúng ta được nâng hạng, thị trường sẽ là cái hồ rộng hơn chứ không phải là cái ao nhỏ nữa.
Quan điểm về năm Nhâm Dần, cá nhân tôi không nghĩ chỉ theo từng năm, không chỉ theo từng con giáp, có con mạnh con yếu mà tôi nhìn về trung dài hạn. Tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam luôn tốt, nếu đặt cược vào đất nước nào trên thế giới tôi sẽ đặt cược vào thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!