Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8 mới đây, ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quỹ, UBCKNN đã có những chia sẻ về tiềm năng của ngành quản lý quỹ Việt Nam.
Theo ông Long, từ khoảng thời gian từ năm 2014 – 2015 trở lại đây, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh của các công ty quản lý quỹ. Tới cuối năm 2021, quy mô của thị trường đang có 5,5% GDP là số lượng chưa kiểm toán, tổng tài sản quản lý của toàn bộ thị trường khoảng 572.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2020, đây cũng là một mức tăng ấn tượng. Hiện nay có 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, có 70 quỹ đầu tư chứng khoán trên tổng toàn bộ thị trường, trong đó riêng năm 2021 vừa rồi có 14 quỹ được thành lập với tổng số vốn huy động ban đầu là 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết thị trường chứng khoán năm 2021 tăng trưởng rất mạnh mẽ, đi chung với nền tăng trưởng đấy, các danh mục, các quỹ đầu tư của chúng tôi cũng có những kết quả rất tốt. Các cơ sở pháp lý hình thành đặc biệt là sự cho phép thành lập quỹ mở, quỹ ETF trên thị trường đã tạo ra một xu hướng, hỗ trợ nền tảng pháp lý cho các công ty quản lý quỹ chúng tôi sản xuất ra các quỹ phù hợp với nhu cầu thị trường.
Dư địa tăng trưởng ngành quản lý quỹ Việt Nam còn rất lớn
Theo ông Dũng, tại các thị trường khu vực, đặc biệt tại Châu Á, tâm lý nhà đầu tư nói chung thường vẫn rất ham tham gia trực tiếp vào thị trường chứng khoán để mua bán cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên ở các thị trường phát triển, đại bộ phận các nhà đầu tư ngoài tham gia trực tiếp họ vẫn hoạch định, phân bổ một phần tài sản vào các danh mục, các quỹ đầu tư chứng khoán, hay ủy thác khoản đầu tư phần lớn trong tài sản của họ cho các chuyên gia.
Ông Dũng dự báo xu hướng của Việt Nam sẽ đi theo hướng như vậy và tầng lớp trung lưu ở Việt Nam được định hướng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Theo thống kê, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ lên đến khoảng 30 triệu người trên dân số hơn 100 triệu dân trong vòng 10 năm tới. Khi đời sống kinh tế và mức phát triển nâng lên bậc mới thì việc hoạch định tài chính cho cá nhân, gia đình và thậm chí là cho thế hệ thứ 2, thứ 3 thì việc chuyển giao, cách thức tiếp cận mặt lợi nhuận rủi ro sẽ được cân đối.
Theo ông Dũng, nếu so sánh với các nước trong khu vực thì dư địa cho cả thị trường lẫn cho các công ty quản lý quỹ vẫn còn rất lớn. Hiện chỉ có khoảng hơn 200.000 nhà đầu tư đang mua chứng chỉ quỹ trên thị trường, trên quy mô 4 triệu tài khoản chứng khoán. Trong khi đó, tổng tài sản quản lý trên GDP của Việt Nam khoảng 5,5%, đây là ngưỡng tương đối thấp so với ngưỡng khu vực, đơn cử như ở khu vực Châu Á, tỷ lệ tổng tài sản quản lý trên GDP của Ấn Độ khoảng 15%, của Thái Lan là 38%, Malaysia là hơn 50%, Trung Quốc là trên 10%, điều này cho thấy dư địa của Việt Nam còn rất lớn.
Để thúc đẩy hoạt động quỹ, ông Dũng cho rằng chất lượng sản phẩm liên quan đến tỷ suất lợi nhuận rất là quan trọng, lợi nhuận phải bền vững qua quá trình dài, điều đó sẽ thể hiện sự uy tín. Thứ hai là các công ty quản lý quỹ cần liên tục cải thiện, mang tới trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng một cách thân thiện nhất. Gần đây việc chuyển đổi số, sử dụng các công cụ, các app online cũng là một xu hướng. Thứ ba là trách nhiệm chung, trách nhiệm về đào tạo kiến thức cho thị trường, cho các nhà đầu tư.
Ông Dũng đánh giá về cơ bản, Việt Nam đã bắt đầu có những dải sản phẩm tương đối, tuy nhiên dư địa vẫn còn rất lớn, từ quỹ mở, quỹ ETF cho đến quỹ hữu trí và gần đây Việt Nam đã có khung pháp lý cho loại hình này.