"90% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ biến mất trong 3-5 năm", đó là nhận xét từ thực tế của phó tổng giám đốc tập đoàn Kido Mã Thanh Danh. Ông Danh vốn đảm nhận vị trí giám sát rủi ro cũng như có hơn 10 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu và tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A).
Đặc biệt giai đoạn 1997-2001 ông Danh là người phụ trách phát triển ngành bánh tươi đầu tiên của Kinh Đô. Ông Danh cũng từng giữ chức vụ giám đốc tài chính công ty truyền hình cáp BSC thuộc HTVC.
Cũng theo ông Danh, năm 2017 tại Việt Nam có hơn 126.000 doanh nghiệp thành lập cũng có 60.000 doanh nghiệp phá sản, con số nằm lay lắt cũng rất nhiều. Điều này xuất phát từ việc khởi nghiệp vốn chưa đựng nhiều rủi ro, trong đó có những điểm khá đặc thù.
"Ví dụ với ngành công nghệ chắc chắn khi bạn làm ngay từ đầu cần chú ý là rủi ro về mặt pháp lý. Bạn làm về ICO thì rủi ro pháp lý, nước ta có quy định cho làm hay không?", ông Danh lấy ví dụ.
Chuyên gia này cũng cho rằng rủi ro thứ hai của khởi nghiệp chính là mặt vận hành. Theo ông, trong khởi nghiệp, vận hành bạn ít nhất phải có 2 kỹ năng đầu tiên: Bạn làm sản phẩm thì phải hiểu sản phẩm, thứ 2 là phải biết bán hàng.
Bên cạnh đó việc gọi vốn của khởi nghiệp cũng chứa dựng rủi ro. Theo đó, người khởi nghiệp cần phải hiểu chiến lược về ngành này tồn tại từ 2 hay 3 năm để chuyển hướng. Từ đó đi kèm với rủi ro cần phải gọi vốn như thế nào. Lời khuyên của ông Danh là nên đóng gói lại mô hình, gọi thêm các nhà đầu tư chiến lược. Từ đó người khởi nghiệp sẽ có thêm người để giúp về vận hành, về tài chính, định hướng để phát triển tốt hơn.
"Tôi khuyên các bạn nên đi hội thảo thật nhiều đặc biệt các hội thảo nước ngoài. Các chuyên gia sẽ dự báo ngành này như thế nào", ông Danh chia sẻ cách để những người khởi nghiệp hiểu rõ hơn về ngành mà mình sẽ dấn thân vào. Ngoài hiểu được về ngành, bạn sẽ còn nhận được cái lợi khác là sẽ kiếm được các nhà đầu tư chiến lược hiểu về lĩnh vực bạn làm.
Lấy ví dụ về chính Kinh Đô cách đây 2 năm bán mảng bánh cho Mondelez, từ bỏ ngãnh lõi của mình, ông Danh cho rằng đây cũng là lúc tập đoàn bắt đầu khởi nghiệp khi bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới: Ngành dầu ăn. Theo ông Danh đây là ngành hàng lớn với giá trị 3 tỷ USD, ngày nào người dân Việt Nam cũng dùng, độ rủi ro ít và giao động thấp.
"Từ bỏ ngành rủi ro lớn hơn sang ngành rủi ro ít hơn và không gian lớn hơn", phó tổng giám đốc Kido bật mí về lựa chọn của tập đoàn này.
Tuy nhiên bài toán khác đồng thời đặt ra là làm sao Kido bù đắp doanh thu nhanh nhất để giảm thiểu rủi ro dòng tiền? Theo ông Danh, cách tập đoàn này chọn là mua bán sáp nhập, không xây dựng từ đầu mà mua lại từ Vocarimex, Tường An. Bênh cạnh đó dựa trên nền tảng kênh phân phối sẵn nên có ngay luồng tiền cho cổ đông.
"Bài học là gì, chúng ta thất bại trong chuẩn bị thì chúng ta sẽ thất bại trong khởi nghiệp. Tập đoàn lớn như chúng tôi từ bỏ 1 ngành chính để sang một ngành mới thì đó là khởi nghiệp trong ngành mới", ông Danh kết luận.
Vốn là chuyên gia về quản trị rủi ro cho tập đoàn Kido nên ông Danh cho rằng ngoài bản kế hoạch kinh doanh, người khởi nghiệp luôn phải lường trước và phòng ngừa rủi ro. Ông cũng cho biết thêm những rủi ro này không đột nhiên ập đến mà đều có những dấu hiệu nhận biết.
Ví dụ với một doanh nghiệp khởi nghiệp bán dừa trực tuyến khi ông nhà vườn bắt đầu giảm đơn hàng, bạn đặt 100 tấn nhưng chỉ giao 50 tấn, tách ra giao cho người khác thì đây là dấu hiệu của rủi ro.
Theo ông Danh, người này cần chuẩn bị trước khi các dấu hiệu này xảy ra và tìm sẵn người cung cấp thứ 2. Tập đoàn lớn Walmart cũng làm tương tự như vậy. Khi họ tìm người thứ 2 liền sẽ có thể gây áp lực nhà cung ban đầu phải giảm giá. Đây chính là phòng ngừa rủi ro từ chuỗi cung ứng.