Từ ngày 23/8/2021, Tp.HCM tiếp tục siết chặt hơn nữa biện pháp giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh những gói an sinh xã hội, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là một trong những bài toán nan giải. Đặc biệt, biện pháp "3 tại chỗ" sau một thời gian triển khai bắt đầu có những tác dụng ngược, nhiều đơn vị theo đó đã có kiến nghị, đề xuất ứng phó mới.
Sở hữu 2 nhà máy chế biến thịt gồm MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn (đặt tại Long An) với công suất thiết kế mỗi nhà máy khoảng 1,4 triệu con heo/năm, mảng thịt của Masan đang đứng trước nhu cầu tiêu thụ cực kỳ lớn khi đại dịch bùng phát làn sóng thứ 4 tại Tp.HCM và lan rộng sang các tỉnh.
Đề xuất lập "vùng đệm" xung quanh nhà máy, thay thế phương án "3 tại chỗ"
Ghi nhận từ giai đoạn bùng dịch, Masan vẫn duy trì và đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đẩy lên mức cao của khách hàng, đặc biệt với dòng thịt đóng hộp, thịt mát.
Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch duy trì sản xuất trong bối cảnh cao điểm hiện nay, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Thường trực VinCommerce (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) cho biết về chỉ thị "3 tại chỗ" Masan đã có kiến nghị để chỉ thị này phù hợp hơn với tình hình sản xuất ở các nhà máy ở phía Nam.
Theo bà Phương, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là rất hiện hữu. Do vậy, đại diện Masan đề xuất một số nội dung mà bà đánh giá là khẩn thiết, để chủ động ứng phó với nguy cơ này.
Qua thực tế triển khai, doanh nghiệp nhận thấy biện pháp "3 tại chỗ" là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tuần. Nếu áp dụng dài hạn, khi có phát sinh nguồn lây bệnh, thì "3 tại chỗ" sẽ tạo thành ổ lây nhiễm lớn. Và nhà máy sẽ không còn khả năng tiếp tục vận hành sản xuất.
Do vậy, đại diện Masan đề xuất Thủ tướng và lãnh đạo địa phương cho phép lập "vùng đệm" xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… ở gần nhà máy. Tại đây, lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện thực hiện tốt các quy định về phòng tránh dịch bệnh.
MEATDeli sẽ điều chuyển một phần sản lượng từ nhà máy MEAT Hà Nam vào Tp.HCM
Cũng nói thêm về tình hình nhu cầu hiện nay, bà Phương cho biết, so với giai đoạn trước tháng 6/2021, sản lượng cung ứng thịt tươi và thịt chế biến được MEATDeli gia tăng gấp 2,5 lần tại Tp.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu thịt sạch của người dân.
Để kịp thời cung ứng cho người dân Tp.HCM, MEATDeli có kế hoạch điều chuyển một phần sản lượng từ nhà máy MEAT Hà Nam vào Tp.HCM, đồng thời gia tăng công suất chế biến tại nhà máy MEATDeli Sài Gòn. Trong đó, thịt được vận chuyển bằng xe lạnh từ Hà Nam vào Tp.HCM, toàn bộ quy trình pha lóc, vận chuyển và bảo quản tại điểm bán đảm bảo nhiệt độ xuyên suốt từ 0-4 độ C.
Bên cạnh nguồn lợn tự cung cấp, Công ty cũng ký kết hợp đồng dài hạn đến cuối năm với các nhà cung cấp khác, đảm bảo cung cấp nguồn heo sạch đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn.
Với diễn biến tích cực từ thị trường, ban điều hành Masan đang hướng đến mục tiêu đưa mảng kinh doanh thịt có lãi ròng vào cuối năm nay khi tổ hợp chế biến thịt đạt từ 25 - 30% công suất sử dụng vào quý cuối năm nay, so với công suất sử dụng hiện tại là gần 11%.
MEATLife cũng đang tăng tốc chuyển đổi để trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng có thương hiệu. Hiện, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại hơn 2.700 điểm bán, hiện diện tại hơn 2.300 cửa hàng thuộc hệ thống Vinmart/Vinmart.
Kết thúc nửa đầu năm, riêng thịt heo mang về mức doanh thu thuần 1.438 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng doanh thu thuần của Masan MEATLife (MML) không bao gồm 3F Việt. Tương ứng, doanh thu toàn đơn vị MEATLife tăng đến 34% lên 9.635 tỷ doanh thu - đóng góp hơn 23% tổng doanh thu Tập đoàn.