Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tối 2/4, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời các câu hỏi liên quan tới loạt vụ khách mất tiền tỷ ở ngân hàng nhưng chưa được giải quyết thoả đáng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đều có văn bản yêu cầu phía ngân hàng phối hợp với khách hàng và cơ quan khác để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Theo bà Hồng, ngân hàng luôn bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người gửi tiền. Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm, cho vay với quy trình chặt chẽ và buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ.
"Các văn bản này quy định rất rõ quy trình, thủ tục nhận tiền gửi, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, phải công khai minh bạch, đến hạn phải trả đầy đủ gốc và lãi. Lỗi vi phạm (nếu có) phải được xử lý nghiêm", Phó thống đốc khẳng định.
Ngoài trách nhiệm phía ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyên người gửi tiền "nên thường xuyên đến trụ sở ngân hàng thực hiện giao dịch, kiểm tra số dư thường xuyên". "Khi phát diện dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt", bà lưu ý.
Thời gian gần đây khách gửi tiền tại ngân hàng liên tục phản ánh tiền trong tài khoản "bỗng dưng bốc hơi", điển hình nhất là vụ khách hàng mất 245 tỷ đồng khi gửi tại Eximbank. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay bà Chu Thị Bình mở 3 sổ tiết kiệm tại Eximbank với tổng số tiền gốc hơn 301 tỷ đồng (trong đó một sổ 247 tỷ đồng, một sổ 49 tỷ đồng và một sổ 5,4 tỷ đồng)
Tháng 2/2017, khi sổ tiết kiệm 49 tỷ đồng đến ngày đáo hạn, bà liên hệ để rút thì Eximbank cho biết không còn trong hệ thống trong khi bà vẫn còn giữ sổ tiết kiệm.
Sự việc xảy ra được cho là do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà. Hiện nhà băng này đưa ra phương án xử lý tạm ứng bồi thường cho bà Bình hơn 14 tỷ đồng trong lúc chờ kết luận toà án nhưng bà không đồng ý. Ngoài cựu Phó giám đốc bị truy nã, mới đây một số nhân viên chi nhánh trên cũng bị bắt giam.