Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, về điều hành chính sách tiền tệ nói chung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giải bài toán với nhiều yếu tố khác nhau, mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể này.
Trong năm 2022, tình hình thế giới rất phức tạp và khó lường, nhiều biến cố ngoài dự báo và chưa từng có tiền lệ. Những điều này khiến rủi ro của các nền kinh tế, hệ thống tài chính, ngân hàng là rất lớn, kìm hãm lạm phát là ưu tiên hàng đầu của nhiều nền kinh tế lớn.
Ban đầu, nhiều ngân hàng trung ương của nhiều nước trên thế giới đã chần chừ do đánh giá lạm phát là tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiên lạm phát kéo dài hơn dự kiến cho thấy vấn đề thực sự phức tạp hơn, các ngân hàng trung ương đã tăng nhanh lãi suất, dẫn đến nguy cơ đình đốn - vừa lạm phát vừa suy thoái.
Trước bối cảnh đó, Ngân hàng nhà nước đã gặp nhiều khó khăn trong điều hành và đã sử dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định lãi suất, cố gắng không bị cuốn vào vòng xoáy mất giá đồng nội tệ như nhiều nước, cố giữ giá trị ổn định tương đối của VND. Tuy nhiên, áp lực lạm phát còn lớn và kéo dài, còn nhiều áp lực trong việc kìm hãm lạm phát trong năm 2023 sắp tới, nên Ngân hàng Nhà nước cần hết sức chú trọng công tác này.
Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong hơn 10 năm qua, dù biện pháp này mang tính hành chính nhưng đã thể hiện được sự hiệu quả trong ổn định hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, ở mức trên 30%. Trong 10 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức 12 – 14%.
Theo ông Hà, để tăng trưởng kinh tế, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà bản thân nền kinh tế cần có vốn, chủ thể đầu tư. Các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cần khơi thông đầy đủ các kênh vốn này.
''Trong nhiều năm trở lại đây, áp lực tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Sau 10 năm, quy mô nền kinh tế tăng 2,7 lần nhưng quy mô tín dụng tăng 4,4 lần. Như vậy, tỷ lệ tín dụng/ GDP tăng từ 80% lên mức hiện nay là trên 124%'', đại diện NHNN cho biết.
Phó Thống đốc cho biết, năm nay, Ngân hàng nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng hỗ trợ cho phát triển kinh tế khoảng 14%, là mức cao hơn hai năm trước. Trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao này và hiện nay đã đạt trên 10% -tăng nhanh so với cùng kỳ các năm trước.
Trả lời về khả năng nới thêm tăng trưởng tín dụng, ông Phạm Thanh Hà cho biết hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng hiện ở mức rất cao, khoảng 100%, nghĩa là đã sử dụng hết vốn huy động để cho vay.
"Nếu nâng tăng trưởng tín dụng thêm vài %, nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất lập tức sẽ dâng lên", ông nhấn mạnh.
"Gần đây Moody’s có nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam và đi kèm là cảnh báo vì tỷ lệ tín dụng/ GDP của Việt Nam ở mức 124%. Tỷ lệ tổng tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam trên tổng GDP là 187%, là đòn bẩy rất lớn, do vậy ảnh hưởng đến rủi ro an toàn tài chính trong tương lai’’, Phó Thống đốc thông tin thêm.
Theo ông Hà, trong hai năm 2020 - 2021, NHNN khá linh hoạt để mức tăng trưởng tín dụng cao so với tăng trưởng kinh tế. Như năm 2016 – 2019, NHNN để ở mức 2 lần so với GDP thì hai năm dịch COVID-19, hệ số nhân này là 4-5 lần.
‘’Cần hết sức thận trọng trong việc điều hành tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, NHNN vẫn giữ (mục tiêu tăng trưởng tín dụng – pv) ở mức 14%, không điều chỉnh giảm và thấy rằng đây là mức phù hợp’’, Phó Thống đốc nhấn mạnh.