Tạo thuận lợi phải đi đôi với chống gian lận thương mại
Gần 400 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến mỗi năm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã có 255 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó có 165 dịch vụ mức độ 3, 90 dịch vụ mức độ 4). Trong 2 năm 2017- 2018, mỗi năm có gần 400.000 hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến trong tổng số 1,6 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
"Xây dựng Chính phủ điện tử là góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân. Chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc không áp dụng công nghệ thông tin thì sẽ chậm phát triển. Do đó, Bộ GTVT luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành" – Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc cắt giảm thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan thuộc bộ.
"Với Bộ GTVT cắt là cắt, giảm là giảm thực sự, không cắt chỗ này phình chỗ khác hoặc chỉ nhập điều này khoản nọ vào nhau mà thực tế không giảm thủ tục. Nếu đâu đó có vấn đề này xảy ra, các đơn vị, các doanh nghiệp liên quan phản hồi ngay lập tức để lãnh đạo Bộ xử lý nghiêm các cơ quan thuộc bộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có tính đột phá đối với cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý: Mục tiêu chung của Chính phủ là đến 2020, tất cả thủ tục hành chính có liên quan đến QLNN đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia với hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần tiếp tục cải cách toàn diện theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu với các mặt hàng tác động đến toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân; Tiếp tục thực hiện nguyên tắc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng nguyên lý quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp. Quan trọng là minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra thông qua ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá và đẩy mạnh xã hội hoá kiểm tra chuyên ngành. Bộ chỉ tập trung vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, thể chế là chính.
“Cần dè chừng chuyện vận động cắt những thứ không đáng cắt. Mục tiêu cắt giảm 50% là chỉ tiêu chung của cả nước. Sau khi rà soát, nếu xác định rõ lĩnh vực này chỉ có thể cắt giảm được như thế này thì các đồng chí cũng cần tham mưu, làm rõ. Cần phải mạch lạc chỗ này. Không phải cắt lấy được. Có những thứ phải cương quyết, phải tiền kiểm chứ không thể hậu kiểm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo và đề nghị Bộ GTVT tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý nguyên tắc “tạo thuận lợi thương mại nhưng phải đi đôi với chống gian lận thương mại”; Chấm dứt việc ban hành danh mục hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí và phương pháp kiểm tra, trừ trường hợp hàng hoá có tính đặc thù; Rà lại xem trong những cái đã cắt có tạo ra sơ hở gì không.
Hết 2018, Bộ GTVT cung cấp 87 thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia
Trước đó, báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đến ngày 10/11/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng 70 thủ tục hành chính tham gia cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số thủ tục hành chính của Bộ GTVT đã chính thức tham gia cơ chế một cửa quốc gia là 82 thủ tục (hàng hải: 11 thủ tục, đường thuỷ nội địa: 6 thủ tục, đăng kiểm: 5 thủ tục, đường bộ 60 thủ tục). 5 thủ tục lĩnh vực đường bộ đưa vào sử dụng trong tháng 11/2018, hoàn thành cung cấp 100% các thủ tục hành chính đã đăng ký tham gia cơ chế một cửa quốc gia.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 41 quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT, trong đó đã cắt giảm 80/134 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan (chiếm 59,7% vượt 19,4% so với so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ). Toàn bộ các sản phẩm hàng hóa trong danh mục đều đã được gắn mã số và có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng để kiểm tra.
Bộ cũng đã ban hành Thông tư 42 sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, thực hiện đơn giản hóa 07/09 thủ tục hành chính trong công tác kiểm tra chuyên ngành.
Hệ thống công nghệ thông tin của Bộ GTVT được xây dựng theo mô hình tập trung, thống nhất về nền tảng công nghệ, không thực hiện đầu tư riêng lẻ tại các Cục, Tổng cục. Vì vậy đẩy nhanh được tiến độ xây dựng phần mềm, dễ dàng trong thay đổi, nâng cấp theo yêu cầu của Cổng thông tin một cửa quốc gia.