Chiều 31/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại và logistics (Ủy ban 1899) chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ rà soát quy trình thủ tục, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan nhằm hoàn thành đúng mục tiêu triển khai 61 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia; tiếp tục triển khai công tác cải cách với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng tăng cường chống gian lận thương mại, bám sát nhiệm vụ được giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg 2019 về phê duyệt Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
"Vừa rồi Tổng cục Hải quan đã rất quyết liệt chống gian lận thương mại cũng làm cho thuận lợi hóa thương mại tốt hơn", ông Huệ nói.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đao Tổng cục Hải quan lập đề án kiểm soát về gian lận xuất xứ hàng hóa. Theo ông Thành, hiện có tình trạng nhập khẩu hàng hóa về là một người nhưng xuất khẩu đi là một người khác và lấy xuất xứ hàng hóa Việt Nam Đặc biệt, có trường hợp nhập hàng không nhãn mác, về Việt Nam mới dán nhãn mác để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhập linh kiện rời rạc về lắp ráp, dán mác rồi tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đi nước ngoài. "Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công Thương và báo cáo Chính phủ trong thời gian tới", ông Thành cho biết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục triển khai quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại vừa chống lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý sớm kết luận vụ Asanzo, đúng sai thế nào cho rõ ràng. "Chống gian lận thương mại nhưng phải bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, không xử lý sớm để ảnh hưởng sản xuất kinh doanh cũng dở. Tinh thần là thượng tôn pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo Ủy ban chỉ đạo quốc gia cho biết, tính đến ngày 10/7/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 174 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 2,3 triệu hồ sơ của hơn 30,9 nghìn doanh nghiệp.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan; Brunei và Campuchia.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.