Nhìn lại các bước phát triển CNTT-TT trong nhiều thập kỷ gần, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đã có sự thay đổi rất chóng mặt mà nếu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, dân tộc, khu vực nào chủ động, thuộc nhóm tiên phong đi đầu thì sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn.
Ông cũng cho biết đi cùng với sự phát triển này, là yêu cầu kết nối chặt chẽ từ quy mô một nhóm nhỏ đến cộng đồng, dân tộc và cả khu vực để giải quyết các vấn đề xã hội và ngày nay nhiều thách thức mang tính khu vực, toàn cầu.
"Các nước ASEAN có quyền tự hào là tổ chức có uy tín trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên trường quốc tế cũng bởi vì các dân tộc ở Đông Nam Á ý thức được điều này. Việt Nam luôn đồng thuận cùng nhau xây dựng cộng đồng ASEAN không chỉ vì các dân tộc trong khu vực mà còn đóng góp vào hoà bình, thịnh vượng trên thế giới", Phó Thủ tướng cho biết.
Về công nghệ 5G đang được các nước đặc biệt quan tâm, Phó Thủ tướng cho biết 5G nghĩa là nhanh hơn về tốc độ, nhiều vấn đề được xử lý gần như theo thời gian thực. Song song với đó là sự phát triển của vượt bậc của công nghệ điện toán từ phần cứng như máy tính lượng tử, máy tính sinh học cho đến trí AI, blockchain, thế hệ Internet mới…
Do vậy vấn đề đặt ra là công nghệ 5G có làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất của thế giới hiện nay hay không?
Cộng hưởng với các công nghệ khác, 5G đang và sẽ giúp cho các cá nhân tiếp cận thông tin nhanh hơn, phục vụ cho các nhu cầu sông, giải trí mà còn giúp mọi người sáng tạo tốt hơn, theo Phó Thủ tướng. Ông cho biết điều quan trọng nhất là giúp mỗi người thực sự là trung tâm của sự phát triển bền vững bằng sự sáng tạo cá nhân của mình. Các doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến tập đoàn đa quốc gia khi ứng dụng công nghệ 5G sẽ mang lại lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trong thời gian đầu triển khai công nghệ mới này chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, rủi ro đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cá nhân, tổ chức kinh tế…
"Chúng ta cứ để những công nghệ mới như 5G tự phát triển hay các Chính phủ cần phải có hành động cụ thể hơn? Làm sao để hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp khác tự tin sử dụng các dịch vụ, công nghệ mới, bớt rủi ro hơn trong những bước ban đầu?", Phó Thủ tướng đặt ra nhiều câu hỏi.
Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có những đề xuất, khuyến nghị cụ thể cho các Chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp, hỗ trợ cho công nghệ 5G. Ví dụ như việc sử dụng các tài nguyên như băng tần, chính sách khuyến khích giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông…
"Thời kỳ phát triển của các công nghệ 2G, 3G, 4G, các nước ASEAN gần như chỉ là các đối tác thụ hưởng công nghệ. Dần dần với sự phát triển của các nước ASEAN, sự thay đổi của khoa học công nghệ, từng bước gần đây, một số nước ASEAN ngày càng chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, sản xuất các thiết bị phần cứng cũng như phần mềm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Theo ông, các hệ thống CNTT, dịch vụ viễn thông hiện nay đã có sự đóng góp ngày càng nhiều về trí tuệ, công nghệ từ các nước ASEAN.
Ông cũng tin tưởng với sự bắt đầu của công nghệ 5G, các nước ASEAN có thể hợp tác chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và với các nước đối tác ASEAN để đóng góp nhiều hơn cho công nghệ 5G so với các công nghệ trước đó.