Bộ trưởng nói với tạp chí Der Spiegel trong một cuộc phỏng vấn rằng việc hạn chế sưởi ấm nhà vào mùa Đông cũng sẽ giúp Đức vượt qua những khó khăn về năng lượng.
Khi được hỏi về đóng góp cá nhân của mình trong chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, Bộ trưởng Habeck cho biết ông luôn tuân thủ các khuyến nghị của cơ quan chức năng.
"Một lần nữa, tôi phải giảm đáng kể thời gian tắm của mình", ông Habeck nói.
Phó Thủ tướng Đức nói với Der Spiegel rằng ông "đã bật cười" khi "đồng nghiệp người Hà Lan" nói về chiến dịch khuyến khích mọi người giảm thời gian tắm trung bình từ 10 phút còn 5 phút.
"Trong cuộc đời mình tôi chưa từng tắm 5 phút bao giờ", ông Habeck nói, dường như tự hào về khả năng tắm nhanh của mình khi khẳng định thời gian tắm của ông chưa đến 5 phút.
Habeck cũng cho biết ông hầu như không sưởi ấm căn hộ của mình vào mùa đông vì ông “dậy lúc 6h và rời đi lúc 7h”, còn tối thì về nhà khá muộn.
Phó Thủ tướng cho biết đã có những người buộc phải cắt giảm việc sưởi ấm căn hộ của mình vào mùa đông năm ngoái. Nhưng "điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến", ông Habeck cảnh báo, vì các công ty năng lượng đang “dần dần” tăng giá.
"Sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng hơn", ông Habeck nói, và cho biết thêm rằng "chúng ta đang ở trong một tình huống mà nước Đức chưa từng trải qua bao giờ, một cuộc khủng hoảng khí đốt".
Mô tả về tình huống xấu nhất, ông Habeck cho biết “khi ấy, các công ty sẽ phải ngừng sản xuất, công nhân của họ sẽ bị sa thải, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ; mọi người sẽ lâm vào cảnh nợ nần vì chi trả hóa đơn khí đốt; người dân sẽ ngày càng nghèo hơn và sự thất vọng sẽ nhấn chìm cả quốc gia”.
Trước đó, ông Habeck từng gợi ý một số cách độc đáo để khắc phục tình trạng thiếu năng lượng. Hồi tháng 4, ông đề nghị người dân nên làm việc tại nhà, hạn chế lái xe và chuyển sang đạp xe.
Kéo rèm trong khi sưởi ấm các căn hộ vào buổi tối, và hạ nhiệt độ phòng xuống thêm 1 độ cũng là những phương pháp hữu ích, theo ông Habeck. Kết hợp 2 phương pháp này, người dân có thể tiết kiệm tới 5% năng lượng tiêu thụ,
Phó Thủ tướng Habeck cho biết ông tin rằng Nga đang giảm dần nguồn cung khí đốt để giữ giá cao và gia tăng áp lực lên người dân Đức, "từ đó làm dấy lên cảm giác bất an và sợ hãi".
Ngày 23/6, Chính phủ Đức thông báo nước này đã kích hoạt "giai đoạn báo động" về năng lượng - cấp độ 2 trong thang 3 cấp độ khẩn cấp.
Theo Reuters, quyết định này được đưa ra khi Berlin nhận thấy nguy cơ cao về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dài hạn. Tuy nhiên, quyết định phần lớn mang tính biểu tượng như một cách báo hiệu cho các công ty và hộ gia đình rằng những đợt cắt giảm nghiêm trọng sắp diễn ra.
"Chúng ta không được nhầm lẫn: Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt là một đòn tấn công kinh tế của Nga", Bộ trưởng Habeck cáo buộc, và nói thêm rằng người Đức sẽ phải giảm tiêu thụ năng lượng.
Việc chuyển sang giai đoạn 2 đã được nhiều người đồn đoán kể từ khi tập đoàn Gazprom (Nga) cắt giảm công suất nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 xuống còn 40% vào tuần trước.
Berlin cáo buộc công ty Nga cắt giảm nguồn cung vì lý do chính trị, nhưng Mátxcơva giải thích rằng "đơn giản là không có thiết bị để bơm". Gazprom không thể duy trì dòng khí một cách an toàn nếu không có tuabin mà Siemens Energy gửi đến Canada để bảo trì trước đó nhưng chưa được trả lại. Các thiết bị kẹt ở Canada do các lệnh trừng phạt kinh tế mà Ottawa áp đặt đối với Nga.
Cũng trong ngày 23/6, Điện Kremlin đã đáp trả những cáo buộc của Đức và một số quốc gia phương Tây khác, khẳng định Nga nổi tiếng là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.