Không thể đánh giá ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư, thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng - PV) tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả.
Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh).
Đại biểu: Hiệu quả thấp đến mức báo động
Trong câu hỏi chất vấn, đại biểu Bình cho rằng đầu tư công trong thời gian vừa qua còn nhiều hạn chế, bất cập như quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện dự án, số vốn phân bổ các dự án hàng năm thấp, cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện đầu tư công chưa được chú trọng đúng mức.
Đại biểu Bình cho rằng hiệu quả đầu tư công thấp đến mức báo động, với chỉ số ICOR tăng mạnh giai đoạn 1991-1995 là 3,5 thì đến 2007-2008 là 6,15, đến 2009 vọt lên 8 và năm 2018 giảm xuống còn 6,21 nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới.
Còn nếu so sánh với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam gần gấp đôi, nghĩa là hiệu suất đầu tư chỉ bằng một nửa.
Điều này, theo ông Bình, đã làm cho đầu tư công kém hiệu quả, thậm chí thất thoát, lãng phí trong đầu tư. Ông đề nghị Phó thủ tướng cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục thời gian tới.
Phó thủ tướng: ICOR bình quân đã giảm dần
Trong văn bản trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, nhìn chung trong giai đoạn 2011 - 2015 hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện. Hệ số ICOR của Việt Nam đã giảm dần trong từng giai đoạn.
Nếu so sánh với giai đoạn trước, những năm đầu giai đoạn 2016 - 2020 hệ số này có xu hướng cao hơn. Cụ thể, ICOR bình quân (tính theo giá so sánh năm 2010) năm 2016 là 6,41, năm 2017 giảm nhẹ còn 6,21, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,05 còn giai đoạn 2006 - 2010 là 5,18.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng giải thích, hệ số ICOR thường tính theo khoảng thời gian hay theo từng giai đoạn, còn phụ thuộc vào các yếu tố như sự thay đổi công nghệ hay tỷ lệ kết hợp giữa vốn và lao động.
Hiệu quả đầu tư thể hiện bằng hệ số ICOR được cơ quan thống kê Việt Nam tính toán cho toàn bộ nền kinh tế bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Hệ số ICOR không tính theo thành phần kinh tế, do vốn đầu tư công chủ yếu được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không mang lại lợi nhuận trực tiếp mà gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng.
Do vậy không thể đánh giá hệ số ICOR tăng vọt là do đầu tư công kém hiệu quả, Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng cũng cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất từ đó giảm hệ số ICOR.
Do vậy, tỷ lệ vốn đầu tư công chiếm trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng thấp đi, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Đầu tư công sẽ đóng vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.
Tạo đột phá trong PPP
Trong thời gian tới, theo Phó thủ tướng, cần phải nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Khoản vốn dự phòng chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án không đúng quy định, Phó thủ tướng nêu rõ.
Giải pháp nữa được Phó thủ tướng nêu là huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế theo cơ chế thị trường.
Trong đó, đối với vốn đầu tư công: tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và liên vùng, liên địa phương.
Đối với các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước,...). Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức.
Về đầu tư khu vực tư nhân và dân cư, khuyến khích đầu tư tăng cường trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển những sản phẩm có giá trị cao; đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ...
Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư chiều sâu các cơ sở nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp.
Đối với FDI, thu hút chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh và phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế của từng ngành, từng vùng; đặc biệt thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới.
Chuyển dần thu hút vốn FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mở rộng các hình thức đầu tư, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư.
Đồng thời, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn; huy động nguồn lực đất đai và tài nguyên cho đầu tư phát triển, Phó thủ tướng hồi âm đại biểu.