Bloomberg đưa tin, các tập đoàn dầu khí lớn nhất trên thế giới đã từ chối lời kêu gọi chuyển đổi nhanh chóng khỏi dầu khí của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Theo đó, các tập đoàn này cảnh báo rằng việc "bỏ đói" đầu tư sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã bác bỏ kế hoạch của IEA, bao gồm việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C và gọi đây là kịch bản "La La Land".
Theo đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng nhấn mạnh: "Nếu thế giới tuân theo lộ trình của IEA, cụ thể là ngay lập tức dừng đầu tư vào các lĩnh vực khai thác dầu mới để đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, thì hãy tưởng tượng giá dầu sẽ tăng đến mức như thế nào, thậm chí có thể lên tới 200 USD/thùng? Hơn nữa, giá khí đốt cũng sẽ tăng vọt".
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg tại Nga diễn ra vào ngày 3/6 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Saad Sherida Al Kaabi cho hay, "sự hăng hái" xung quanh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch rất "nguy hiểm". "Khi các khoản đầu tư bổ sung của doanh nghiệp không được thông qua, chúng ta sẽ chứng khiến những đợt tăng giá đột biến".
Trước đó, ngày 1/6/2021, tại Việt Nam, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) gửi Thư kiến nghị về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch điện 8. Cụ thể, bản kiến nghị nêu rõ, việc hạn chế phát triển điện mặt trời là hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư mới.
Cơ quan này cũng đề cập đến những dự báo và khuyến nghị mới nhất của IEA, rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới. VSEA nhấn mạnh, Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn và là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy phân cấp phân quyền.
Thời gian vừa qua, năng lượng mặt trời tại Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, cùng nguồn công suất lớn trong khi lưới truyền tải không đồng bộ kịp dẫn tới tình trạng quá tải, sa thải công suất của nguồn điện sạch, gây lãng phí đầu tư và nợ xấu.
VSEA khuyến nghị Chính phủ Việt Nam có giải pháp chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.
Liên quan đến thị trường điện cạnh tranh, cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023, đẩy nhanh tái cấu trúc đơn vị điều độ hệ thống và thị trường quốc gia (NSMO) phù hợp với mốc hình thành thị trường cạnh tranh bán lẻ là năm 2023.
Thêm vào đó, cần tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện bằng đẩy nhanh các giải pháp tích trữ như pin tích trữ ngay trong giai đoạn này như kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.