Tham dự buổi lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình điểm qua những thành tựu phát triển của đất nước trong năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực.
Trong thành công chung của cả nước, có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành giao thông, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế. Kết quả trên tạo đà và động lực mới, khí thế mới để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả 5 năm 2016-2020.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng hàng không là nội dung quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, đa dạng hoá các phương thức vận tải nhằm chia sẻ, kết nối liên thông trong và ngoài nước là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Trong những năm qua, chúng ta đã dành nhiều nguồn lực của nhà nước và xã hội để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu đổi mới, hệ thống hạ tầng vận tải ngành hàng không vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế. Nhiều sân bay đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và mặt đất, trong đó có sân bay quốc tế Phú Bài (đã vượt 30% so với công suất thiết kế), với mức tăng trưởng luôn duy trì từ 12-18%/năm thì việc quá tải đã hiện hữu, cần có giải pháp đầu tư bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, an toàn bay cho hiện tại và tương lai.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. - Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng Thường trực chúc mừng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – chủ đầu tư dự án đã tích cực thu xếp vốn, thủ tục để tổ chức khởi công dự án nhà ga T2. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các cơ quan có liên quan có giải pháp về nguồn vốn, ưu tiên bố trí các vốn đầu tư phù hợp theo quy định để sớm hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng – dịch vụ sân bay quốc tế Phú Bài theo quy hoạch. Từ đó, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp tỉnh cất cánh, sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Dự án khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của nhà ga cảng hàng không Phú Bài từ 1,5 triệu khách lên 5 triệu khách vào năm 2020, giải quyết tình trạng quá tải nghiêm trọng hiện tại.
Việc xây dựng, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài thực hiện theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng hàng không quốc tế Phú Bài được quy hoạch là cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Công suất thiết kế dự kiến 5 triệu hành khách/năm đến 2020 và 9 triệu hành khách/năm đến 2030.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài do ACV làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư khoảng 2.250 tỷ đồng, trích từ Quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty. Dự án gồm các hạng mục công trình: Nhà ga hành khách; hệ thống đường tầng, đường giao thông; sân đỗ ô tô và các hạng mục phụ trợ đồng bộ.
Ảnh: VGP |
Nhà ga được thiết kế 2 cao trình, 3 tầng gồm tầng 1, tầng lửng và tầng 2. Nhà ga hành khách có hệ thống đường dẫn ra máy bay gồm 4 ống lồng, trong đó 3 ống code C và 1 ống lồng đôi. Diện tích xây dựng khoảng 10.118 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 22.381m2, công suất 5 triệu hành khách/năm (trong đó nội địa 4 triệu hành khách/năm và quốc tế 1 triệu hành khách/năm), bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách.
Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào khai thác trong Quý 4/2021.
Cam kết trước lãnh đạo Chính phủ, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV khẳng định: “Với trách nhiệm là chủ đầu tư, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cam kết quản lý tốt dự án, yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, đáp ứng tiến độ đưa dự án vào khai thác”.
Sân bay Phú Bài (Huế) là sân bay hỗn hợp dùng chung quân sự và hàng không dân dụng do Pháp xây dựng năm 1940. Đến năm 1994, sân bay Phú Bài được đầu tư nâng cấp, kéo dài đường cất hạ cánh từ 1.800m lên 2.700m về phía đông để có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung và tiếp tục được nâng cấp trong giai đoạn từ năm 2000 – 2004. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, sử dụng, cơ sở hạ tầng của CHK Phú Bài xuống cấp nên đầu năm 2013, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành sửa chữa, mở rộng, chiều rộng đường hạ cất cánh có kích thước 2.700m x 45m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4D theo phân cấp của ICAO, có khả năng tiếp thu các loại máy bay tầm trung như A320/A321 và tương đương. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm. Trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng hành khách thông qua CHK quốc tế Phú Bài luôn duy trì mức tăng trưởng từ 12- 18%/năm. Năm 2019, sản lượng cất hạ cánh đạt gần 12.000 lượt/chuyến, sản lượng hành khách thông qua Cảng Phú Bài đạt gần 2 triệu lượt khách, vượt quá công suất của nhà ga, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.500 tấn.