Chính phủ muốn đạt tăng trưởng GDP ở mức cao
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn mức Quốc hội đề ra được Chính phủ hướng tới. Trước đó, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong khoảng từ 6,5-6,7%. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ muốn thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn nếu có thể; 6,8% là mức đã được đưa ra. Dựa trên mong muốn đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập các kịch bản tăng trưởng cho từng quý.
Kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,7%. Như vậy, tăng trưởng cần đạt trong quý II là 6,91%, quý III là 6,61%, quý IV là 6,25%.
Kịch bản 2, tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,8%. Đây là kịch bản trong trường hợp không có biến động tiêu cực xảy ra, bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và các dự án công nghiệp chế tạo lớn vào hoạt động,... Theo đó, tăng trưởng chung của các ngành công nghiệp và xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 0,29 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp tăng 0,35 điểm phần trăm. Như vậy tăng trưởng cần đạt trong quý II là 6,93%, quý III là 6,72%, quý IV là 6,46%.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý I đạt 7,38%.
"Kịch bản chỉ thực hiện được khi tất cả các nhân tố đúng như dự báo. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, nên rất cần kiểm soát quá trình tăng trưởng. Đây cũng là điểm mới trong điều hành đã được Chính phủ thực hiện từ quý II/2017. Đối với năm 2018, Chính phủ thực hiện sớm hơn. Doanh nghiệp đã nắm chắc vấn đề, nhưng lãnh đạo các địa phương có làm được không hay mới chỉ nắm một số vấn đề. Tất cả các Bộ ngành, tỉnh, hiệp hội,... phải nắm chắc tất cả các diễn biến sản xuất, tăng trưởng" – Phó Thủ tướng nói.
Mô hình quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018. Trong đó, tăng trưởng theo từng quý cũng như lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 có xu hướng giảm dần.
Nguyên nhân là do tăng trưởng GDP năm 2017 đã có sự bứt phá mạnh giữa các quý (Quý II hơn Quý I là 1,21 điểm phần trăm; Quý III hơn Quý II là 1,02 điểm phần trăm; Quý IV hơn Quý III là 0,27 điểm phần trăm) với các nhân tố tác động chính là sự gia tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Samsung bắt đầu từ tháng 5 và Nhà máy Formosa bắt đầu hoạt động lần đầu vào tháng 7. Chính vì lẽ đó, đã tạo ra một nền rất cao ở các quý sau, dù tăng trưởng Quý I năm 2017 ở một nền rất thấp, chỉ 5,15%.
"Trong điều kiện giả định tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tương đối ổn định, những yếu tố mang tính bứt phá là chưa rõ ràng. Dẫn tới khi so sánh với đặc điểm mô hình tăng trưởng theo quý và lũy kế năm 2017 như vậy thì kết quả của năm 2018 có xu hướng giảm dần là tất yếu, do không có yếu tố đột biến diễn ra tương ứng cùng thời điểm như 2017" – ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, sản lượng của nhà máy Samsung Display tại tỉnh đã đạt tới đỉnh trong năm 2017 với việc một tháng xuất xưởng 55.000 sản phẩm. Qua khảo sát đối với các doanh nghiệp, UBND tỉnh thấy rằng gần 22% doanh nghiệp sẽ khó có khả năng đạt sản lượng như năm 2017.
Cùng với Bắc Ninh, một số ít lãnh đạo tỉnh, thành phố đã trình bày báo cáo tại Hội Nghị, gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến của các tỉnh này vì đây là các địa phương đại diện của các vùng kinh tế trọng điểm. Tăng trưởng dựa chủ yếu từ cơ sở, nếu các địa phương chiếm tỷ trọng lớn này tăng trưởng tốt sẽ quyết định mức tăng trưởng của đất nước.
TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, Chính phủ hiện đang yêu cầu công tác dự báo phải "nhìn xa, trông rộng". Dự báo các yếu tố ảnh hưởng không chỉ cho năm 2018 mà cần tính đến 2019, 2020 và xét tới các yếu tố tác động bên ngoài, chu kỳ kinh tế thế giới,... để kịp thời có chính sách ứng phó.
"Chính phủ đang quan tâm đến chu kỳ kinh tế, không chỉ của Việt Nam mà cả nước ngoài. Thủ tướng đã chỉ đạo, cần phải có nghiên cứu kỹ để có chính sách. Thứ hai, phải nghiên cứu để xem các tác động bên ngoài đối với Việt Nam như thế nào. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào rất cao, tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lên tới 38 tỷ USD,...... và bất cứ bất chắc bên ngoài nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Tình hình căng thẳng thương mại phức tạp trên thế giới cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến Việt Nam và cần nghiên cứu sâu sắc vấn đề này để tranh thủ cơ hội và giảm bớt tiêu cực" – ông Vũ Viết Ngoạn nói.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, hiện nay là thời điểm tận dụng cơ hội để tập trung cải cách, tăng cường nền tảng để phát triển lâu dài, nâng sức chống chịu của nền kinh tế với cú sốc bên ngoài. Đồng thời, cần tìm ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp có thể là một động lực của tăng trưởng nếu phát triển được công nghiệp chế biến.
"Chưa bao giờ nông nghiệp có sức hút đối với các nhà sản xuất như hiện nay. Điều đó đặt ra vấn đề phải giải quyết bài toán đầu ra. Không chỉ tìm thị trường mà còn phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong bối cảnh tiêu thụ thực phẩm trên thế giới đang có xu hướng tăng, nếu làm được thì nông nghiệp sẽ trở thành động lực tăng trưởng" – ông Vũ Viết Ngoạn khẳng định.