Sẽ như 12 dự án yếu kém ngành Công Thương?
"Dự án bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (đặt tại Hà Nam) chậm tiến độ 18 tháng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng xin gia hạn thêm đến cuối năm 2019. Cơ bản công tác xây lắp đã xong, quý III này lắp trang thiết bị", đại diện Bộ Y tế báo tại cuộc họpvề tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch năm 2018.
Ngắt lời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người chủ trì cuộc họp chất vấn: "Đã chậm 18 tháng, lại xin gia hạn, thực tế đến nay chậm bao nhiêu so với kế hoạch?".
Ngập ngừng, đại diện Bộ Y tế đưa ra một vài con số liên quan. Sau cộng nhẩm Phó Thủ tướng Vương Định Huệ nói: "Là 36 tháng, như vậy dự án đã chậm tiến độ đến 3 năm".
"Việc chậm tiến dự án, đối với trách nhiệm của các nhà thầu phải tính toán như thế nào? Việc này các doanh nghiệp đã thực hiện rất tốt. Bộ Y tế có tính toán chuyện đó để làm hiệu quả cho dự án không?" Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 bản phối cảnh.
Nhắc nhở Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý nguy cơ hai dự án này trở thành các dự án thua lỗ yếu kém mới, tương tự như 12 dự án thua lỗ yếu kém của ngành Công Thương. "Tín hiệu này dễ lắm", ông Huệ khẳng định.
"Chậm tiến độ phải có lý do khách quan, không thể kéo dài vì lý do chủ quan. Nếu cứ kéo thì cắt vốn đầu tư hủy dự toán đi thôi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải làm rõ từng hạng mục liên quan từ việc lựa chọn nhà thầu, thi công đến cả việc ai cấp phép thực hiện... để chỉ rõ vấn đề của việc chậm tiến độ và chậm giải ngân.
Trong khi đó, báo cáo về các nhà thầu thực hiện dự án, Bộ Y tế vẫn khẳng định đã lựa chọn đượcnhững nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực.
Sẵn sàng hủy dự toán, thu hồi dự án
Về vốn giải ngân, đại diện Bộ Y tế báo cáo đến tháng 5/2018, bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân 1.752 tỷ đồng, chiếm 77,76% tổng vốn, bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã hoàn thành 76,36% so với tổng vốn.
"Đây là khối lượng hoàn thành chứ Bộ đã tiến hành thanh toán được đâu?", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lật lại.
Ông Huệ cũng hỏi lại nội dung trong báo cáo mà Bộ Y tế cho rằng năng lực tài chính của nhà thầu hạn chế. Trả lời, đại diện Bộ Y tế cho biết đây là diễn đạt chưa chuẩn, thực chất vấn đề này là do tiền tạm ứng không đủ.
"Tiền của dự án còn rất nhiều chưa giải ngân được, Bộ lại bảo tiền không đủ là như thế nào?", ông Huệ truy vấn. Phó Thủ tướng cho biết như giải thích của Bộ Y tế, do thủ tục liên quan đến dự toán khiến chậm tiền tạm ứng thì đó hoàn toàn là lỗi của Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính giải trình rõ nguồn vốn xây dựng hai bệnh viện này từ đâu. Số vốn ứng ra chưa giải ngân là 2.857 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ doanh nghiệp cần xử lý thế nào? "Tại sao vốn dự án đã thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn rồi còn tiếp tục sử dụng vốn này?", ông Huệ yêu cầu giải trình.
"Chưa xuất quỹ 1.682 tỷ đồng, có xuất tiếp nữa không, chưa thấy Bộ Y tế nói gì. Khoản vốn 1.174 tỷ đồng chưa giải ngân xử lý thế nào, có thu lại không?", ông Huệ yêu cầu làm rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ y tế báo cáo tiến độ, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của các đơn vị trong việc chậm tiến độ. Trong đó, nêu rõ khó khăn trong việc thực hiện và đề xuất tháo gỡ.
Với tình trạng như vậy, đại diện Chính phủ cho biết sẽ họp riêng về 2 dự án này. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát độc lập để báo cáo Chính phủ, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Kho bạc Nhà nước.
"Nếu các Bộ không có chuyển biến,Thủ tướng, Chính phủ sẽ có giải pháp mạnh, không để tình trạng này tiếp tục", Phó Thủ tướng khẳng định sẵn sàng hủy dự toán, thu hồi các dự án như vậy.