Chuyển đổi cơ cấu lao động, đánh giá chất lượng đào tạo các bậc học là một vấn đề đặc biệt quan trọng, Phó Thủ tướng cho biết. Điều này đã được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung liên tục nhấn mạnh trong phiên chất vấn nên Phó Thủ tướng không bình luận thêm.
Phó Thủ tướng cũng nhận xét Bộ trưởng Dung và các đại biểu phần nào đã cung cấp được bức tranh số liệu đầy đủ về mức độ đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ việc làm cho từng phân khúc một. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý về mô hình lao động mà đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) đề cập đến.
"Mô hình của Việt Nam không giống với thế giới", ông Đam nhấn mạnh. Để phân tích cụ thể hơn nhận định của mình, ông chỉ rõ cách thống kê về trình độ đào tạo của Việt Nam và khẳng định là chưa tốt.
"Chúng ta thống kê tương đối tốt về bằng đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng đối với những loại hình đào tạo khác, không có chứng chỉ thì chưa được", ông Đam nói. Điều này đã được các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế thừa nhận.
Bên cạnh đó, thống kê của Việt Nam đang khác với quốc tế. Cụ thể, các nước trên thế giới không phân biệt đại học và cao đẳng mà nhập làm chung. Theo Unesco, tổ chức này phân thành 5 tầng gồm: người nghiên cứu, phát minh kiến thức; người phổ biến kiến thức; người quản lý kỹ thuật; người khai thác kỹ thuật; người trực tiếp vận hành. Còn ILO thì lại phân thành 9 loại.
Trong khi đó, Việt Nam lại chia thành đại học – cao đẳng – trung cấp, sơ cấp. "Đấy là phân loại thống kê về đào tạo bằng cấp chứ không hẳn thống kê về cơ cấu lao động", Phó Thủ tướng nói.
Chính bởi cách thống kê này, mô hình lao động của Việt Nam không giống bất cứ nước nào. Theo đó, tỷ lệ ở Việt Nam là cứ 10 người học đại học thì có 3 – 4 người học cao đẳng và 1 người học trung cấp, sơ cấp.
Ví dụ trong năm 2017, cứ 100 học sinh tốt nghiệp cấp 3 thì có 46 người thi và học đại học, cao đẳng; 7 – 8 người không đỗ ở nhà tiếp tục ôn thi; 20 – 22 người chấp nhận học trung cấp và 10 người đi thẳng ra thị trường lao động.
Còn thế giới thì tỷ lệ lại là 1 người học đại học, cao đẳng thì có 4 – 5 người trung cấp và 10 người học sơ cấp.
Điều này khiến cho cơ cấu lao động theo bằng cấp ở Việt Nam là một hình bị thắt ở giữa. Tuy nhiên, cơ cấu thị trường lao động Việt Nam vẫn đúng theo mô hình các nước đang phát triển, tức là hình chóp.
"Đó là điều đáng buồn", Phó Thủ tướng bày tỏ. Bởi mô hình này không phải tối ưu khi lao động giản đơn ở phía dưới rất nhiều và giảm dần khi lên cao. Tất nhiên, hình chóp của Việt Nam là chóp đều, tức đã cải thiện hơn so với các nước kém phát triển, và đang tiến dần đến mô hình của các nước phát triển là hình quả trứng hay hình khoai tây, nghĩa là "bầu bầu ở giữa".
Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phải nắm được xu hướng của thế giới là mô hình gì để điều chỉnh lại thị trường lao động. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến cải cách giáo dục.
Bởi lẽ, cứ 100 lao động của Việt Nam thì chỉ có 50 người được đào tạo, trong đó, chỉ có 22 người có bằng cấp, còn lại thì không.
"Vì vậy, chúng ta phải nắn lại mô hình đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp. Một mặt thì phải đẩy mạnh dạy nghề cho 32 triệu người chưa qua đào tạo. Thông qua đó, điều chỉnh mô hình lao động phát triển kịp theo xu thế thế giới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.