Với ngụ ý thế giới đang rất cởi mở, đang nhìn nhau để cùng phát triển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù Việt Nam đã nỗ lực, nhưng nếu không vượt bậc thì đất nước sẽ không được cải thiện, thậm chí, vị thế đang có cũng sẽ mất đi. Cụm từ "nỗ lực" cũng được Phó Thủ tướng liên tục dùng trong bài phát biểu của mình.
Nhìn thẳng, Phó Thủ tướng nói Việt Nam đang rất nghèo cho dù suốt 20 năm qua tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 trên thế giới. Điều đó biểu hiện qua việc thu nhập bình quân đầu người thấp, ở vị thứ khoảng 125.
Bên cạnh đó, dù được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về thành tích như phát triển mục tiêu thiên niên kỷ, quốc gia tích cực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nhưng chỉ số quan trọng về kinh tế của Việt Nam đang rất thấp.
"Chỉ số phát triển nguồn nhân lực chúng ta đứng đâu đó ở 120 – 115 trên thế giới. Năng suất lao động cũng không lạc quan, thậm chí báo cáo gần đây còn thấp hơn cả Lào", Phó Thủ tướng cho biết.
Năng suất lao động là điều Phó Thủ tướng trăn trở, bởi đó cũng là một trong những điều mà người dân, Chính phủ mong muốn vì nó thể hiện nền kinh tế đang phát triển nhanh và bền vững hơn.
Ngoài các lý thuyết về thay đổi công nghệ, tập trung đổi mới nhân lực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cơ cấu lại nền kinh tế, nguồn lao động. Việt Nam hiện có hơn 40% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp trong khi ở các nước phát triển, cơ cấu này chỉ chiếm 5 -10%. Một trong hai hướng chính để dịch chuyển cơ cấu là phát triển thật nhiều doanh nghiệp. Tức là cải thiện môi trường kinh doanh.
"Suy cho cùng, đây là một vòng tròn", ông nói và cho biết môi trường kinh doanh gần đây đã tốt hơn nhưng cần phải làm quyết liệt, nỗ lực hơn nữa.
Ngoài trên "nóng dưới lạnh", Phó Thủ tướng lưu ý về tình trạng "nóng ấm không đều". Bởi trước đây chỉ tập trung vào một số chỉ tiêu chính nên cũng chỉ một số bộ ngành liên quan có sức ép để nóng. Trong giai đoạn tới, ông lưu ý cần nỗ lực để "nóng" đều.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ năm 2017 cho thấy phải kết hợp 2 mũi: Tổ công tác Thủ tướng điểm đầu việc, tiến độ; Tổ chức các cuộc đối thoại để các bên được trình bày quan điểm.
"Không tính kết quả khi chỉ mới có văn bản trình, kết quả phải là khi xem nó tháo gỡ được vướng mắc hay chưa", ông nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tự thân Việt Nam phải nỗ lực trong việc cải thiện vì chính bản thân chứ không phải vì các đánh giá của Tổ chức quốc tế. Ông nhấn mạnh, Chính phủ sẽ luôn chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp vì mục tiêu sớm có được 1 triệu doanh nghiệp trong thời gian gần nhất.