Sáng 4/11 tại Thành phố Johanesburg (giờ chiều Việt Nam), Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi và Phòng Thương mại và Công nghiệp Johanesburg (JCCI) đã tổ chức toạ đàm thương mại và đầu tư Việt Nam- Nam Phi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành, một số doanh nghiệp của Việt Nam tham dự toạ đàm. Về phía Nam Phi, có sự tham dự của ông Obed Bapela, Thứ trưởng Bộ quan hệ địa phương và các vấn đề truyền thống của Nam Phi, Luật sư Thabo Mokoena Thứ trưởng Bộ Khoáng sản Nam Phi, bà Jacki Mpondo Hendricks, Chủ tịch JCCI và hơn 130 doanh nghiệp thương mại, sản xuất của Nam Phi hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoáng sản, chế biến, hàng tiêu dùng, du lịch,...
Được biết tới nay, Nam Phi đã đầu tư 11 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đạt 1,33 triệu USD, trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghệ chế biến…; Việt Nam có 3 dự án đầu tư vào Nam Phi với tổng vốn đăng ký khoảng 8,1 triệu USD.
Nam Phi đã trở thành điểm đến quan trọng của ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tham dự các hội chợ, triển lãm lớn như Hội chợ Quốc tế Saitex, Africa’s Big 7.
Các thoả thuận của Chính phủ sẽ giúp thúc đẩy đầu tư
Tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Bộ quan hệ địa phương và các vấn đề truyền thống Obeb Bapela cho biết, Việt Nam được nhắc đến nhiều ở Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung, là nguồn cảm hứng để nhân dân Nam Phi đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc và đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Thời gian gần đây, Chính phủ Nam Phi đang thúc đẩy cải cách hành chính, đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài từ 2018- 2023 đã giúp nền kinh tế này có tăng trưởng.
Ông Obeb Bapela cho rằng hai quốc gia đã duy trì cơ chế Diễn đàn "đối tác phát triển" và cần tăng cường hơn nữa khuôn khổ này để đưa quan hệ giữa hai quốc gia lên tầm cao mới.
"Chúng tôi cho rằng nếu Chính phủ hai bên có các thoả thuận thì sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư chất lượng hơn", ông Bapela nói và cho rằng Việt Nam có thể nhập khẩu rượu vang, than của Nam Phi. Ngoài ra, Nam Phi sẽ ưu tiên cải cách chính sách thị thực để có nhiều du khách Việt Nam du lịch tại Nam Phi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng nông sản, trái cây,... sang Nam Phi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đã vươn lên trở thành một đất nước thanh bình, có chính trị ổn định, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và ngày càng củng cố trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động. Việt Nam trở thành mảnh đất thành công của cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới.
Từ năm 1986 tới nay, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng liên tục từ 6-7%/năm, là một trong những nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tỉ giá ổn định. Năm 2019, quy mô GDP tính theo sức mua tương đương của Việt Nam là 936,8 tỷ USD và sang năm 2020 sẽ là 1.020 tỷ USD.
Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, với hơn 200 quốc gia trên thế giới, trong đó có 54/55 quốc gia châu Phi. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 dự kiến là 530 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu nông sản là 43 tỷ USD đứng đầu ASEAN và thứ 15 trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng dần trở thành một công xưởng của thế giới trong lĩnh vực thiết bị điện thoại, may mặc, giày da.
Việt Nam cũng đạt nhiều thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký tới nay là 430 tỷ USD với 26.000 dự án từ 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, với phong trào khởi nghiệp dẫn đầu ASEAN. Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp hạng năng lực cạnh trạnh toàn cầu tăng 10 bậc lên vị trí 57/141 quốc gia được xếp hạng.
Doanh nghiệp sẽ dẫn dắt sự phát triển của quan hệ hai nước
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống với các nước châu Phi nói chung, trong đó có Nam Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tăng gấp 5 lần lên 1,1 tỷ USD trong 10 năm qua nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với lợi thế và tiềm năng hợp tác giữa hai bên, nhất là mối quan hệ chính trị tin cậy giữa nhân dân hai nước.
"Hai quốc gia tương đồng về vị thế chính trị và tiềm năng kinh tế, cơ cấu kinh tế không cạnh tranh trực tiếp mà bổ trợ cho nhau. Việt Nam muốn xuất nhiều sản phẩm nông thuỷ sản, hàng tiêu dùng sang hệ thống các siêu thị hiện đại của Nam Phi. Ngược lại Nam Phi có thể đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xây dựng chế biến, dịch vụ tại Việt Nam", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nghiệp Nam Phi.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp hai bên sẽ là đầu tàu để dẫn dắt sự phát triển của quan hệ giữa hai quốc gia trong gia đoạn tới. Chính phủ hai nước cần thúc đẩy ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần để tạo điều kiện cho sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp diễn ra thuận lợi.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị phía Nam Phi cho phép thành lập ngân hàng thương mại của Việt Nam để tạo ra cơ chế thanh toán thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn, đầu tư tại Nam Phi; JCCI, các doanh nghiệp của Nam Phi góp tiếng nói để thúc đẩy hợp tác ở cấp Chính phủ giữa hai bên nhằm mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Khoáng sản Nam Phi Thabo Mokoena nhấn mạnh tới cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khai thác than và năng lượng khi Nam Phi là quốc gia có trữ lượng than hàng đầu thế giới.
Ông Thabo Mokoena vui mừng cho biết Bộ Khoáng sản Nam Phi và Bộ Công Thương Việt Nam sẽ có buổi làm việc vào sáng mai (5/11) với sự tham gia của các doanh nghiệp để tìm hiểu kỹ hơn về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này.