Theo nghị trình, từ ngày 4- 6/6/2018 Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp.
Công việc chuẩn bị cho hoạt động này đã được tiến hành ngay từ khi kỳ họp chưa diễn ra, từ việc xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về đề xuất nhóm vấn đề và người sẽ trả lời chất vấn,
Sau khi tổng hợp ý kiến đại biểu, Tổng thư ký Quốc hội sẽ xin ý kiến của các cơ quan của Quốc hội trước khi xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn, sau đó sẽ gửi xin ý kiến từng vị đại biểu.
Theo thông lệ các kỳ họp trước thì sẽ có 5 nhóm vấn đề được chọn để xin ý kiến đại biểu, sau đó sẽ chốt 4 nhóm vấn đề để chất vấn trước Quốc hội.
Ngay tuần đầu tiên của kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội đã đề xuất 8 nhóm vấn đề để xin ý kiến các cơ quan chọn lấy 6 nhóm vấn đề trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Trong đề xuất ban đầu có các nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực công an, thanh tra, môi trường, giao thông, xây dựng, y tế, văn hoá, lao động...
Đây cũng là những lĩnh vực được cử tri nêu nhiều kiến nghị và nhiều đại biểu quan tâm đề cập trong các phiên thảo luận tại kỳ họp này.
Đa số trong các vị bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực nói trên cũng chưa được chọn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.
Ngoài 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành, kỳ họp giữa năm theo thông lệ sẽ có một vị Phó thủ tướng được Thủ tướng phân công trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Vị Phó thủ tướng này sẽ đăng đàn cuối cùng, làm rõ thêm những thông tin được các vị đại biểu quan tâm trong cả ba ngày chất vấn.
Kỳ này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ là người gói lại ba ngày chất vấn, theo chia sẻ của Phó thủ tướng với báo chí bên hàng lang Quốc hội, chiều 25/5.
Đây cũng sẽ là lần đầu tiên ông Vương Đình Huệ trả lời chất vấn trực tiếp Quốc hội trong cương vị Phó thủ tướng Chính phủ. Nhưng trước đó ông cũng đã từng lên "ghế nóng" khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính.