Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 2 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty trong sáng 21/11.
Thay mặt Thủ tướng phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Huệ cho biết Thủ tướng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, Đề án cơ cấu lại DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng đã ký nhiều nghị quyết, quyết định phục vụ việc tái cơ cấu DNNN. Đơn cử như Nghị quyết của Chính phủ về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, qua quá trình giải quyết công việc, nhận thức về DNNN là vấn đề quan trọng. Bởi giữa các bộ, ngành, địa phương còn có ý kiến khác nhau, cùng một loại hình doanh nghiệp nhưng có địa phương giữ lại, có địa phương thì thực hiện cổ phần hoá,
Dù vậy, quan điểm của Chính phủ về DNNN là chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, các địa bàn quan trọng, liên quan tới quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực thiết yếu mà tư nhân không làm, không muốn làm và thoái vốn tại các DNNN đang làm ăn hiệu quả.
Đánh giá về kết quả cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua, ông nhận xét có nhiều kết quả tích cực khi giá trị thực hiện giai đoạn 2016- 2018 gấp 2,5 lần thực hiện từ 2011- 2015. Hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục tăng lên, tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp NSNN là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm. 106 DNNN sau cổ phần hoá đã niêm yết.
Dù vậy, nhìn chung DNNN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn cần giải quyết sớm. Đơn cử như bất cập về cơ chế chính sách, vấn đề định giá quyền sử dụng đất…
Theo đó, Phó Thủ tướng Huệ đã nêu ra một số công việc cần thực hiện nay trong thời gian tới.
Thứ nhất, ông đề nghị cần đánh giá thực chất kết quả cơ cấu lại DNNN khi Nhà nước vẫn còn nắm giữ khoảng 90% vốn điều lệ tại gần 600 DNNN. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, theo ông.
Thứ hai, Phó Thủ tướng đặt vấn đề về thể chế, chính sách đối với DNNN. Theo đó, câu hỏi ông đặt ra là tại sao vẫn còn nhiều quy định còn chưa thực sự phù hợp và cần xử lý sớm.
Ví dụ đối với việc quản lý vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sau cổ phần hóa, Phó Thủ tướng đề nghị xác định mức độ và phạm vi Nhà nước nắm giữ cổ phần trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp cụ thể, quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ ba là về xử lý những dự án đầu tư của DNNN không có hiệu quả, thua lỗ, mất vốn... Theo Phó Thủ tướng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc giải quyết hợp đồng EPC và quá trình giải quyết pháp lý giữa giai đoạn đầu tư và giai đoạn sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Hiện 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn tất việc chuyển giao, tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra theo Phó Thủ tướng là phải phân định rõ quyền, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban với các bộ, ngành.
Ông lưu ý phải bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh bình thường, liên tục… mục đích cuối cùng là phải tập trung vào đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Thứ năm, về việc đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DNNN, đặc biệt là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
Thứ sáu, Phó Thủ tướng cho rằng việc xã hội hóa phải gắn với giao quyền tự chủ, cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động như DNNN.
Thứ bảy, về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là khâu yếu nhất, trực tiếp liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp và các bộ ngành, địa phương.
Theo ông, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, làm mãi không xong, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài. Vì vậy, ông nhấn mạnh phải quyết tâm vượt qua tư duy cũ, quyết tâm nói không với tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.