Theo thông báo kết luận mà Văn phòng Chính phủ vừa công bố tại cuộc họp ngày 8/3 về tình hình thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, láp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô là "bình đẳng", "không phân biệt doanh nghiệp trong - ngoài nước" mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Sau khi có hiệu lực, nhiều chính sách, bên cạnh một số quy định tiến bộ nhận được sự đồng tình, ủng hộ, còn có một số ý kiến phản ánh về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện liên quan đến sản xuất, nhập khẩu ô tô.
Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động tìm hiểu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu một cách nghiêm túc để ngày càng hoàn thiện hơn các chính sách về phát triển công nghiệp ô tô.
Với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ, chủ trì hoặc đồng chủ trì, cùng với các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện 4 vấn đề gồm triển khai các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, nghiên cứu chính sách; kiểm soát nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều kiện được hưởng thuế suất bằng 0%.
Cùng đó, nếu cần thiết, Bộ có thể kiến nghị để hoàn thiện Nghị định 116 và Thông tư 03 sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, các tổ chức, cá nhân liên quan và nghiên cứu, giải trình. Mục đích hướng đến là đáp ứng các yêu cầu về công bằng, minh bạch, và cạnh tranh theo những cam kết và thông lệ quốc tế, đảm bảo phát triển ngành công nghiệp ô tô đúng Chiến lược đã đề ra.
Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ chủ trì sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội về những chính sách thuế liên quan đến việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.