Năng suất lao động là vấn đề được ông Bang Hyun Woo nhấn mạnh khi nhắc đến công nhân Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy trong nước. Theo ông, năng suất lao động của công nhân Việt cao tương đương người Hàn Quốc.
“Năng suất lao động của người Việt Nam không hề thấp. Khi so sánh với người Hàn Quốc cũng đạt tầm 98-99%, gần như tương đương. Ở công ty khác thì chúng tôi không biết nhưng ở Samsung thì là như vậy” – ông Bang Hyun Woo khẳng định.
Ông Bang Hyun Woo cho biết, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm điện thoại di động Samsung đã đạt mức 57%, tính đến cuối năm 2016. Hiện nay, có 29 doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho Samsung. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được những linh phụ kiện tinh vi hơn, thay vì chỉ làm bao bì và đóng pallet.
Samsung đã tổ chức 2 buổi kết nối trong năm 2017 nhằm tìm kiếm, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tự nâng cao trình độ, thông qua việc mời chuyên gia, người từng có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản làm cố vấn. Thông qua đội ngũ này, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi về công nghệ, kỹ năng quản lý, và nâng cao trình độ của mình.
Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương, UVBCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đánh giá cao những triển lãm, sự hỗ trợ của doanh nghiệp FDI như Samsung. Bà Hương cho rằng doanh nghiệp FDI hiện nay đã cởi mở hơn so với thời kỳ mới đầu tư vào Việt Nam. Thông qua những buổi triển lãm, hỗ trợ,... doanh nghiệp nội đã hiểu hơn về đối tác, biết được linh kiện mà các đối tác FDI đang cần.
“Sự liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI đang khởi sắc, nhưng vẫn còn lỏng lẻo, cần nỗ lực từ hai phía. Bản thân các doanh nghiệp nội cũng phải nỗ lực, nâng cao năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội kết nối. Chúng tôi cũng đánh giá những doanh nghiệp FDI như Samsung đã có những triển lãm ngược, hỗ trợ, tư vấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia chuỗi. 29 nhà cung ứng cấp 1 và hơn 200 doanh nghiệp cung ứng cấp 2 là con số đáng kể” – bà Đỗ Thúy Hương nhận định.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó có thể đầu tư vào dây chuyền sản xuất để đáp ứng những yêu cầu cao của doanh nghiệp FDI. Do đó, bà Hương cho rằng các bộ ngành cần nỗ lực rất lớn và bố trí nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Cao Bảo Anh, Chuyên viên Cục Công nghiệp (Bộ Công thương).
Ông Cao Bảo Anh, Chuyên viên Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) thừa nhận, sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử trong thời gian qua thiếu chiến lược. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa ra chiến lược từ sớm và quyết liệt thực hiện mới có thể đạt được thành tựu như ngày hôm nay.
“Khi gia nhập WTO, ngành điện tử đã đi xuống. Hàng nhập khẩu vào Việt Nam và khiến ngành có sự thoái trào. Sự tăng trưởng trong thời gian qua được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp nước ngoài, dựa trên lợi thế về chính trị ổn định, chính sách ưu đãi và nhân công giá rẻ” – ông Cao Bảo Anh cho biết.
Phát biểu cuối buổi hội thảo, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nhắc tới cuốn hồ sơ về các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài không biết doanh nghiệp Việt Nam đang làm gì, có trình độ như thế nào. “Nếu có hồ sơ về vấn đề này sẽ giúp ích cho doanh nghiệp nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam” – Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ.