Bên lề hội thảo toàn cảnh ngân hàng năm 2020, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chia sẻ một số vấn đề trong việc xử lý nợ xấu sau khi có Nghị quyết 42.
- Ông có thể đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 42 trong 3 năm qua?
- Kết quả thực hiện Nghị quyết 42 được thể trên 2 mặt chính. Thứ nhất là cho phép bán nợ cho các tổ chức kinh tế, cá nhân, thay vì chỉ được bán nợ cho các công ty có chức năng kinh doanh nợ, đây là thay đổi rất lớn so với trước. Nhờ đó, kết quả thu hồi nợ bằng biện pháp bán nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt trên 40.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42.
Thứ hai, ý thức trả nợ của khách hàng được cải thiện. Tổng doanh số mà khách hàng tự trả nợ cải thiện. Kết quả thu hồi nợ sau khi có nghị quyết gấp 1,5 lần trước đó trong giai đoạn 2013 – 2017.
Nghị quyết 42 đã khẳng định một lần nữa quyền của chủ nợ, nghĩa là trong trường hợp cần thiết, nếu hợp đồng với khách hàng có quy định có quyền thu giữ tài sản đảm bảo thì VAMC được quyền thu giữ. Đây là biện pháp rất mạnh, thay đổi căn bản ý thức khách hàng trong vấn đề trả nợ. Hiện tượng khách hàng chây ỳ trả nợ, chống đối đã giảm rất nhiều và tỷ lệ khách hàng tự trả nợ đã tăng lên rất lớn sau khi có Nghị quyết 42.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản VAMC.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa ngành ngân hàng và các bộ ngành, chính quyền địa phương đã thay đổi. Nếu trước đây, quan niệm nợ xấu là của ngành ngân hàng và là trách nhiệm xử lý của ngành, thì nay nợ xấu được hiểu là của toàn nền kinh tế. Do đó, chúng tôi đã nhận được sự phối hợp tích cực của bộ ngành, trong vấn đề thu giữ tài sản, sang tên, các thủ tục tố tụng theo trình tự rút gọn. Điều này đã rút ngắn rất nhiều trong quá trình xử lý nợ xấu.
- Khó khăn trong việc xử lý nợ xấu là gì, thưa ông?
- Quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là việc áp dụng các quy định pháp luật có liên quan. Nghị quyết 42 có điều khoản là trong trường hợp các quy định tại các văn bản quy định pháp luật khác trái hoặc không phù hợp với Nghị quyết 42 thì sẽ áp dụng nghị quyết. Tuy nhiên, cách hiểu và ứng dụng khi xử lý nợ xấu tại các địa phương không thống nhất.
Chẳng hạn, trong quá trình chuyển nhượng các dự án bất động sản dở dang, theo luật kinh doanh bất động sản, việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ bất động sản yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản dở dang, có thể 1-2 mảnh chưa hoàn tất đền bù nên không thể chuyển nhượng. Nếu vận dụng Nghị quyết 42, bất động sản đủ điều kiện chuyển nhượng. Chúng tôi mong muốn rằng tất cả những quy định pháp luật hiện nay chưa phù hợp với Nghị quyết 42 cần thiết phải sửa đổi để khơi thông và tạo hành lang pháp lý thống nhất hơn nữa với ngành ngân hàng để giải quyết nợ xấu.
- Tác động của dịch Covid-19 tới việc xử lý nợ xấu như thế nào, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thách thức của ngân hàng đối với tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới rất lớn. Ngành cũng thực hiện mọi biện pháp để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu.
Nhìn chung, ảnh hưởng của Covid-19 là điều ngành ngân hàng chưa từng gặp phải. Thực tế, chúng tôi thấy rằng Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo và biện pháp toàn diện đặc biệt là Thông tư 01 cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp.
- VAMC đã chuẩn bị như thế nào trong trường hợp nợ xấu tăng do dịch Covid-19?
- VAMC là một đơn vị xử lý nợ xấu trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng đã sẵn nguồn lực tài chính, nhân sự, làm việc với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện nay, chưa có số liệu cụ thể về nợ xấu vì các khoản nợ đang được cơ cấu theo Thông tư 01, vì vây tỷ lệ nợ xấu vẫn đang được NHNN theo sát, để dự báo biến động trong thời gian tới.
Với các doanh nghiệp có nợ xấu tại VAMC và tham gia quá trình tái cơ cấu, chúng tôi đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Những doanh nghiệp có nợ xấu trong thời kỳ này càng khó khăn hơn trong vấn đề trả nợ. VAMC sử dụng nhiều phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp gồm cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất. Chúng tôi cũng đang xem xét bảo lãnh cho doanh nghiệp, tiếp tục vay vốn và duy trì hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh.
Tại hội thảo toàn cảnh ngân hàng 2020, ông Đỗ Giang Nam cũng chia sẻ hoạt động bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân, không phải chỉ là VAMC. Phương pháp bán nợ được thực hiện công khai minh bạch sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vốn phổ biến tại Hàn Quốc, Thái Lan. Các nhà đầu tư thực hiện mua bán nợ có thể thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp, giúp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Mua bán nợ theo giá trị trường sẽ là phương pháp đơn giản hóa thủ tục với việc xử lý nợ xấu tại VAMC nhưng đồng thời giúp huy động nguồn lực vào thị trường mua bán nợ xấu. VAMC cũng đã triển khai các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ như xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản bảo đảm, Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư; tham gia thành viên IPAF, ký thỏa thuận hợp tác với đối tác để chia sẻ kinh nghiệm xử lý nợ và kết nối các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ tại Việt nam. |