Cá chết được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, ngành hàng cá tra đang có những vấn đề lớn cần cấp bách giải quyết.
"Hiện nay, khi ngành cá tra đã ổn định vị trí về thương hiệu, giá thành và lợi nhuận thì đang thiếu cá tra. Thiếu cá tra cho đến ít nhất tháng 6/2018 và thị trường xuất khẩu chính như châu Âu và Mỹ sẽ không đủ hàng. Chúng tôi dự kiến chỉ đủ hàng cho Trung Quốc" – ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Theo ông Nam, đang tồn tại song song 2 luồng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc: chính ngạch và tiểu ngạch. Nếu như cá tra xuất khẩu qua đường chính ngạch phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao, thì cá tra xuất khẩu qua đường tiểu ngạch có phẩm chất rất thấp. Điều này làm ảnh hưởng đến thương hiệu cá tra Việt Nam đã được tạo dựng trong 20 năm qua. Tại Trung Quốc đã xuất hiện nhiều bài viết không tích cực về chất lượng cá tra Việt Nam. Đồng thời, nhà chức trách nước này cũng đang đẩy mạnh chương trình chống buôn lậu cá tra.
"Xuất khẩu đường tiểu ngạch được thực hiện bởi cá nhân. Họ thu gom cả cá ngộp, cá chết. Chất lượng rất kém. Đặc biệt, giá cá tra tiểu ngạch qua biên giới thấp hơn chính ngạch ít nhất 1 USD. Họ chiếm 44% về sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị chỉ 23% trong tháng 1/2018 (kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tháng 1/2018 đạt 42 triệu USD). Chúng tôi đề nghị Chính phủ kiểm soát biên giới ít nhất 3 tháng, tiến hành kiểm tra chất lượng và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trên con đường tiểu ngạch, giống như con đường chính ngạch. Như vậy mới mới giữ được uy tín về chất lượng, tránh tái diễn lịch sử như một số nhóm ngành khác" - ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.
Nông nghiệp có thể là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, người chủ trì Hội nghị đã ghi nhận ý kiến tâm huyết của đại diện VASEP và cam kết giao các bộ ngành chức năng giải quyết kịp thời. Mục tiêu của Chính phủ là nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 lên mức 10 tỷ USD.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết đã nắm được tình hình như VASEP trình bày. Báo cáo của VASEP cũng được trình lên Chính phủ. Hiện cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình hình.
Việc Liên minh châu Âu "rút thẻ vàng" đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản cũng là một vấn đề nóng được nêu lên tại Hội nghị. Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có cuộc làm việc với Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề môi trường để tìm giải pháp. Trong tuần sau, Bộ trưởng sẽ tổ chức cuộc đối thoại với doanh nghiệp và ngư dân, nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết rằng, ông đã nhiều lần trao đổi với Bộ trưởng NNPTNT. Thực tế, chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam có sức thu hút với các nhà sản xuất như hiện nay. Vấn đề đặt ra là không chỉ tìm kiếm thị trường xuất khẩu mà Nhà nước còn phải thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm. Nếu làm được điều này, nông nghiệp sẽ trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế đất nước.