Chỉ còn 6 tuần nữa người Mỹ sẽ chính thức đi bầu cử để chọn ra vị Tổng thống tiếp theo, và các nhà đầu tư đang bắt đầu cảm thấy lo lắng về cuộc đua vào Nhà Trắng cũng như những tác động của cuộc đua chính trị này tới thị trường tài chính vốn đang diễn biến khó lường.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử không phải là mối bận tâm lớn nhất của phố Wall. Có một kịch bản đang ngày càng được bàn đến nhiều hơn: rất có thể cuộc bầu cử sẽ chưa thể ngã ngũ sau ngày 3/11, và có khả năng kể cả khi đã xác định được ông Trump hay ông Biden sẽ chiến thắng thì cuộc chuyển giao quyền lực sẽ không suôn sẻ.
"Nỗi sợ ở đây là nếu chúng ta có 1 cuộc bầu cử bị gián đoạn, dẫn đến cả nền kinh tế bị gián đoạn và thậm chí là bạo lực", Brad McMillan – giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network nhận định trong 1 báo cáo được công bố tuần trước.
Trong khi đó Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại National Securities, cho biết những ngày này quỹ của ông nhận được rất nhiều câu hỏi từ khách hàng về bầu cử. "Câu hỏi số 1 hiện nay là cuộc bầu cử ảnh hưởng như thế nào đến thị trường và nền kinh tế?"
Hogan nhận định: "Đây là tình thế có một không hai. Đại dịch khiến chúng ta có rất nhiều cử tri bỏ phiếu qua thư và cuộc bầu cử trở nên hết sức khó đoán".
Tuần trước ông Trump càng khiến phố Wall lo lắng hơn khi tuyên bố sẽ không chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho ông Biden nếu như đảng Dân chủ chiến thắng. Đương kim Tổng thống cho rằng bỏ phiếu qua thư sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và không thể kiểm soát được quá trình bỏ phiếu.
Brian Levitt, chiến lược gia trưởng tại Invesco, cho biết nhà đầu tư vẫn tiếp tục hỏi liệu có nên đứng ngoài thị trường để không chịu tác động của bầu cử. Tháng 9 vừa qua là tháng tệ nhất đối với cổ phiếu và nhiều khả năng tình hình tháng 10 cũng không thể khá hơn.
Không có gói kích thích bổ sung dành cho những người bị mất việc làm (vốn là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất) và sự mơ hồ trong việc Fed có thể làm gì để giúp nhà đầu tư bình tĩnh trở lại, cùng với cảm giác rằng thị trường quá hưng phấn là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an.
Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 45% kể từ khi rơi vào "thị trường con gấu" hồi cuối tháng 3 do tác động của Covid-19, nhưng chỉ số này cũng đang sắp rơi vào giai đoạn điều chỉnh (tức giảm ít nhất 10% so với đỉnh gần nhất). Trong khi đó chỉ số Nasdaq đã rơi vào vùng điều chỉnh cách đây ít ngày, sau khi tăng 55% kể từ tháng 3. Trong cùng kỳ chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng trưởng 44%.
DJ Peterson, Chủ tịch công ty tư vấn địa chính trị Longview Global Advisors, đưa ra một số kịch bản rủi ro cho cuộc bầu cử năm nay: kết quả bầu cử bị công bố chậm 48 giờ (tối đa là 72 giờ), ông Trump tuyên bố có gian lận trong quá trình kiểm phiếu, hỗn loạn tại các văn phòng bầu cử hay trên đường phố Washington khiến ông Trump phải ra lệnh cho quân đội vào cuộc.
Peterson miêu tả đây là những "yếu tố rủi ro lớn nhất". Ông nhắc lại cuộc bầu năm 2000. Cuộc đấu giữa ứng viên đảng Dân chủ Al Gore và ứng viên đảng Cộng hòa George W.Bush đến tận giữa tháng 12 mới ngã ngũ vì những tranh cãi xung quanh việc kiểm phiếu lại ở bang Florida.
Dữ liệu lịch sử cho thấy từ ngày 7/11 (ngày bầu cử) đến ngày 15/12/2000 (ngày công bố người chiến thắng cuối cùng), chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 8%.
20 năm sau, Hogan nhận định năm nay "không thể biết trước kết quả cuối cùng là gì, cũng như sự kết hợp giữa Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng ra sao". Hogan đồng tình rằng nhà đầu tư vẫn nên xuống tiền nhưng tốt nhất là nên tái cân bằng danh mục. Theo đó họ cần bán bớt một số cổ phiếu đã thắng lớn trong thời gian qua (như nhóm công nghệ), rót tiền nhiều hơn vào các nhóm như ngân hàng.
Ngoài ra nếu xét theo mức độ ảnh hưởng đến thị trường thì bầu cử vẫn đứng sau 2 vấn đề quan trọng là tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch và vaccine cùng thuốc điều trị Covid-19.
Tham khảo MarketWatch