Dow Jones tăng 183,15 điểm, tương đương 0,51%, lên 36.252,02 điểm.
S&P 500 tăng 42,78 điểm, tương đương 0,92%, lên 4.713,07 điểm.
Nasdaq tăng 210,62 điểm, tương đương 1,41%, lên 15.153,45 điểm.
8 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 tăng với công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ viễn thông đóng góp nhiều nhất cho chỉ số. Năng lượng tăng nhiều nhất, 3,4%, theo giá dầu.
S&P 500 kết thúc đợt giảm 5 phiên trong khi Nasdaq có phiên tăng thứ hai liên tiếp. Phố Wall bắt đầu phục hồi vào phiên chiều với giới chiến lược gia cho rằng nhờ nhà đầu tư cá nhân quay lại bắt đáy cổ phiếu.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 11/1 điều trần trước quốc hội với khả năng cao sẽ tiếp tục giữ cương vị này và quyết tâm không để lạm phát cao “kéo dài”. Ông cho biết kế hoạch thắt chặt của Fed là cần thiết để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Bình luận của Powell phần nào trấn an nhà đầu tư rằng Fed sẽ không ưu tiên giảm lạm phát trên những yếu tố khác, bao gồm việc làm, Shawn Cruz của TD Ameritrade, Chicago, bang Illinois, nói.
“Lo ngại ban đầu là Fed sẽ khiến đà phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng”. Nhưng sau phiên điều trần, nhà đầu tư nhận thấy “ông ấy không chỉ muốn cố gắng ứng phó lạm phát” mà còn “tránh tác động lên nền kinh tế”.
Nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu từ ngày 5/1, khi biên bản cuộc họp tháng 12 cho thấy quan chức Fed bàn về thị trường lao động “rất thắt chặt” và lạm phát không giảm, đòi hỏi cần tăng lãi suất sớm hơn dự báo và giảm quy mô bảng cân đối của Fed.
Nhà đầu tư hiện chờ số liệu lạm phát công bố ngày 12/1, với Cruz cho rằng thị trường đã sẵn sàng cho việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7% trong năm 2021.
CPI lõi, không gồm giá thực phẩm và năng lượng, dự báo tăng 5,4%.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 11/1 là 10,58 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với trung bình 20 phiên là 10,55 tỷ cổ phiếu.