Robinhood là một start-up môi giới chứng khoán đang bắt kịp xu hướng gần đây của nhiều công ty đầu ngành ở Mỹ, cho phép nhà đầu tư mua 1 phần nhỏ của 1 cổ phiếu. Hồi tuần trước, công ty này đã ra mắt loại hình đầu tư cổ phiếu lẻ (fractional shares) trên ứng dụng nhằm hạ rào cản cho các nhà đầu tư chưa có nhiều vốn. Tính năng này cho phép người dùng đầu tư vào các công ty công nghệ hàng đầu như Amazon (hiện đang là hơn 1.700 USD/cổ phiếu) chỉ với 1 USD.
CEO của Robinhood - Vlad Tenev phát biểu: "Robinhood là nhà tiên phong trong việc đầu tư chứng khoán với chi phí bằng 0. Chúng tôi có thể cực kỳ tự hào không chỉ bởi tạo ra một không gian mà người dùng không phải trả hoa hồng, mà còn là một nơi khách hàng đến từ những nhà môi giới khác cũng có thể thu lời."
Ra mắt cách đây 6 năm, Robinhood đã công bố sẽ không nhận hoa hồng từ các nhà đầu tư và tham vọng hướng đến nhóm khách hàng thuộc thế hệ Y. Đến năm 2016, số lượng người dùng của Robinhood là 1 triệu người, đến hiện tại, con số này đã vượt qua mức 10 triệu và chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Dù không thu phí giao dịch nhưng Robinhood vẫn có thể thu lời từ nhiều hình thức khác, ví dụ như họ lấy lãi nhờ khoản tiền không giao dịch của khách hàng để cho vay. Hiện tại, hầu hết các công ty môi giới đều yêu cầu số dư tối thiểu trong tài khoản là 500 USD đến 2.500 USD. Chỉ cần có 10 USD/năm từ mỗi tài khoản như vậy, với số dư tối thiểu là 500 USD, thì con số sẽ là không hề nhỏ nếu nhân lên hàng triệu tài khoản. Hơn nữa, start-up này còn kiếm tiền nhờ phí dịch vụ của các tài khoản cao cấp, chẳng hạn phí cho đòn bẩy tài chính.
Robinhood là công ty thứ 3 trong vài tháng vừa qua công bố về tính năng đầu tư cổ phiếu lẻ, theo sau các công ty môi giới chứng khoán hàng đầu là Charles Schawab và Square's. SoFi và Stash cũng là một trong những start-up ngành fintech cung cấp dịch vụ giao dịch tương tự. Những công ty phát triển loại hình đầu tư này đều có cùng một mục đích, đó là đưa việc đầu tư đến với nhiều người hơn.
Trước khi triển khai dịch vụ tính phí '0 đồng', Charles Schwab tính phí trung bình 4,95 USD cho mỗi giao dịch trực tuyến. Hầu hết các công ty môi giới chứng khoán của Mỹ hay quỹ ETF đều thu phí từ 1 USD đến 7 USD/giao dịch. Khi Robinhood ra mắt, các "ông lớn" ngành môi giới cũng đồng loạt triển khai dịch vụ tương tự để cạnh tranh và giành thị phần.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, CEO Tenev cho hay: "Chúng tôi có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường chứng khoán và chỉ rót 10 USD. Dịch vụ này sẽ tạo điều kiện cho nhiều người hơn nữa có thể đầu tư."
Dẫu vậy, là "nhà tiên phong" cung cấp phí dịch vụ giao dịch 0 USD nhưng thách thức với Robinhood giờ đây là họ không còn khác biệt. Các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân hiện cũng đang có thêm nhiều sự lựa chọn với các nhà môi giới chứng khoán không tính phí. Charles Swab hồi tháng trước cũng tiết lộ về thương vụ mua lại TD Ameritrade với 26 tỷ USD, có thể sẽ tạo nên một đế chế quản lý khối tài sản hơn 5 nghìn tỷ USD của 24 triệu khách hàng.
CEO của Robinhood - Vlad Tenev.
CEO của Square - Jack Dorsey, điều hành cả mạng xã hội Twitter, chia sẻ rằng hoạt động đầu tư cổ phiếu lẻ là một cách để giúp nhiều người có thể làm giàu hơn. Charles Schwab là công ty môi giới lớn đầu tiên thông báo sẽ bổ sung tính năng này và cho biết mục tiêu của họ là hướng đến nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Ngành quỹ tương hỗ đã xử lý loại hình đầu tư này trong nhiều năm. Tuy nhiên, phương thức này còn khá mới đối với giao dịch chứng khoán cá nhân. Theo Rober Cortright - CEO của DriveWealth - công ty chuyên xử lý các giao dịch đầu tư cổ phiếu lẻ cho Square và nhiều start-up khác, xu hướng đầu tư này đi lên cùng với các ứng dụng đầu tư tự động, được biết đến với cái tên "robo advisor" (nền tảng kĩ thuật số cung cấp các dịch vụ lập kế hoạch tài chính tự động dựa trên thuật toán mà không cần hoặc cần rất ít sự giám sát của con người).
Một số cái tên phổ biến ở Phố Wall có thể kể đến như Wealthfront, Betterment và Acorns. Cortright cho biết các công ty fintech cần một cách thức để chia nhỏ và đa dạng hoá một số khoản đầu tư chỉ có 50 USD giống như cách một quỹ ETF với quy mô lớn hơn thực hiện.
Tham khảo TechCrunch, CNN