Ngày 21/8, một chi nhánh ngân hàng thương mại ở Sóc Trăng nhận được quyết định của Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP Sóc Trăng về việc phong tỏa tài khoản của Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng (Sosuco) mở tại chi nhánh này. Số tiền bị phong tỏa là 212,2 triệu đồng trong tài khoản 0111…
Quyết định phong tỏa số tiền 212,2 triệu đồng trong tài khoản của Sosuco để thi hành án.
Việc phong tỏa tài khoản của Sosuco là để ngăn ngừa việc doanh nghiệp tẩu tán tài sản vì công ty này đang phải chấp hành bản án của TAND TP Sóc Trăng và TAND tỉnh Sóc Trăng (phúc thẩm) về việc thanh toán quỹ lương trên 8,9 tỷ đồng chưa chi hết trong vụ sản xuất niên vụ 2017-2018.
Những nguyên đơn thắng kiện Sosuco là các ông, bà: Nhâm Thị Mỹ Vân (46,4 triệu đồng); Trần Văn Thành (23,4 triệu đồng); Huỳnh Thị Bạch Vân (23,2 triệu đồng); Thạch Hùng (23,7 triệu đồng); Nguyễn Ngọc Đảm (26,7 triệu đồng); Trần Quốc Dũng (20,6 triệu đồng) và Lâm Trung Nghĩa (45,3 triệu đồng).
Cuối tháng 7-2020, Chi cục THADS TP Sóc Trăng có quyết định THA theo yêu cầu của các nguyên đơn, buộc bị đơn phải THA. Nhưng do Sosuco không tự nguyện THA nên Chi cục THADS TP Sóc Trăng phải ra quyết định phong tỏa tài khoản.
Theo hồ sơ vụ việc, khi ông Trần Ngọc Hiếu lên nắm quyền với cả hai chức danh là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sosuco cách đây 2 năm thì nhiều cán bộ, nhân viên và người lao động gắn bó nhiều năm với doanh nghiệp này lần lượt xin nghỉ việc. Đỉnh điểm là một số người gửi đơn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và sau đó là kiện ra tòa.
Những người từng làm việc tại Sosuco cho rằng, Điều 3 của Hợp đồng lao động quy định Sosuco trả lương theo quy chế tiền lương của công ty. Tại Điều 2 của quy chế quy định quỹ tiền lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của Sosuco. Còn Điều 5 của Thỏa ước lao động tập thể giữa Sosuco với người lao động ghi rõ việc công ty trả lương theo sản phẩm.
Trong đó, đơn giá tiền lương mỗi tấn sản phẩm sản xuất ra người lao động được hưởng 800.000 đồng. Vụ sản xuất 2017-2018, Sosuco có được trên 45.538 tấn đường nên tổng quỹ lương trên 36 tỷ đồng. Sau khi thực trả trên 27 tỷ, quỹ lương chưa thanh toán của vụ này còn tồn trên 9,6 tỷ đồng. Số tiền trên được trả cho trên 320 lao động của toàn công ty.
Tuy nhiên, tháng 1-2019, ông Hiếu ký nghị quyết có nội dung dùng số tiền trên 9,6 tỷ hoàn nhập vào vụ sản xuất 2018-2019 để giảm lỗ cho công ty. Việc làm này gặp sự phản ứng gay gắt của nhiều người lao động từng tham gia vụ sản xuất 2017-2018.
Theo HĐXX sơ thẩm ngày 27/2/2020, việc Sosuco dùng số tiền trên 9,6 tỷ đồng của vụ sản xuất 2017-2018 hoàn nhập vào vụ sản xuất 2018-2019 để giảm lỗ cho công ty là không đúng quy định.
Tuy nhiên, trong số tiền 9,6 tỷ có trên 700 triệu được chuyển sang từ vụ sản xuất trước đó nên người lao động tham gia vụ sản xuất 2017-2018 được hưởng quỹ lương thừa gần 9 tỷ đồng của vụ này.
Ngày 9/7, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử và bác kháng cáo của Sosuco này.