Sáng ngày 3/7, tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề "Nhận diện Thực phẩm thật - giả". Đây là lần thứ 12 Phòng trưng bày của Tổng cục mở cửa đón khách tham quan tìm hiểu thông tin về sản phẩm, trang bị kiến thức phân biệt hàng hóa thật - giả trên thị trường.
Với chủ đề "Nhận diện Thực phẩm thật - giả", phòng trưng bày có trên 400 sản phẩm, điểm nhấn chính là các loại lương thực, thực phẩm như gạo, sữa bột, kẹo bánh, mật ong.. cùng nhiều các sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ uống, thực phẩm chức năng. Đây là các sản phẩm thiết yếu, có nhu cầu cao, được người dân tiêu thụ hàng ngày.
Phòng trưng bày dành một khoảng không gian nổi bật để trưng bày các sản phẩm vàng trang sức vi phạm bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý trong thời gian vừa qua. Những sản phẩm này chủ yếu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam... Đây là một trong những lĩnh vực nóng, được Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm.
Các sản phẩm vi phạm trưng bày tại đây đa phần được thu giữ trong quá trình thực hiện công tác của lực lượng Quản lý thị trường, do đó sẽ đi kèm với đầy đủ thông tin từ quá trình làm rõ dấu hiệu, kiểm tra đến các khâu xử lý vi phạm nên người dân dễ dàng tìm hiểu nếu muốn.
Đến tham quan Phòng trưng bày, khách tham quan sẽ được các chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường trực tiếp hướng dẫn cách nhận diện các dấu hiệu cơ bản của hàng thật và hàng giả đối với các sản phẩm trong kỳ trưng bày.
Đặc biệt, sự kiện được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 67 năm Ngày Truyền thống lực lượng Quản lý thị trường 3/7/1957 - 03/7/2024. Phòng trưng bày cũng được bố trí nhiều góc nhỏ, như để nhìn lại quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường khắp các tỉnh, thành phố, với những vụ phát hiện vi phạm từ vỉa hè, lề đường tới điểm khu kho, xưởng giấu kín và cả trên không gian mạng hết sức phức tạp.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi, đối tượng vi phạm, lực lượng mong muốn tạo ra một địa chỉ tin cậy, giúp khách tham quan có cơ hội trực tiếp tìm hiểu thông tin về các sản phẩm mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, từ đó nâng cao nhận thức, cũng như kinh nghiệm trong việc lựa chọn hàng hóa và các địa chỉ tin cậy để mua sắm an toàn.
Với nỗ lực của toàn lực lượng, những thành quả đã đạt được của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương dần ghi dấu ấn trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, lành mạnh hóa thị trường.
Trong Thư cảm ơn gửi về Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, chủ sở hữu nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với hỗ trợ của các đơn vị Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội trong quá trình hoạt động chống hàng giả trong thời gian qua.
Đặc biệt, doanh nhân Hồ Quang Trí rất cảm kích sự hỗ trợ, kiểm tra và xử lý nhanh chóng, triệt để đối với 6 điểm bán và sản xuất hàng giả "Gạo Ông Cua". Đây là vụ việc lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ 266 bao gạo, 3810 tem chống hàng giả, 1896 bao bì giả mạo nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" và các phương tiện sản xuất khác.
Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục phát hiện, xử lý vụ việc gạo giả nhãn hiệu hiệu "Gạo Ông Cua" được đăng bán công khai trên sàn thương mại điện tử, qua đó cho thấy nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho hoạt động chân chính của doanh nghiệp bất kể không gian thương mại.
"Các hoạt động này của lực lượng không những bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí với tư cách chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu "Gạo Ông Cua", mà còn góp phần bảo vệ sự an toàn cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trước các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, mang đến sự yên tâm cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam", doanh nhân Hồ Quang Trí chia sẻ trong thư.
Bên cạnh công tác đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh lực lượng Quản lý thị trường cũng đẩy mạnh hoạt động tầm soát, phát hiện vi phạm đối với những đối tượng vì lợi ích mà lừa dối, gây nguy hại tới quyền lợi người tiêu dùng.
Ví dụ nổi bật mới đây có thể kể đến như vụ phát hiện đồng loạt 4 công ty kinh doanh mật ong giả mạo chất lượng tại Vĩnh Phúc. Bên cạnh xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng, hồ sơ vụ việc cùng tang vật cũng được chuyển giao về Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.