Cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận xuất xứ vẫn là mặt trận nóng bỏng. Bởi một phút lơ là, hậu quả cho nền kinh tế là khó có thể đong đếm được.
Từ làm giả xuất xứ đến “phù phép” nguồn gốc
Chia sẻ tại tọa đàm “Vì mục tiêu bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia” do Báo Hải quan phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 8/9, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, đã trao đổi về cuộc chiến chống gian lận xuất xứ đang ngày càng cam go.
Ông Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ: Việc chống gian lận xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra từ năm 2018. Việc Mỹ áp thuế bổ sung với một loạt hàng hóa của Trung Quốc đã khiến xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ.
Điều đó cảnh báo nếu Việt Nam không đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ, hàng hóa của Việt Nam sẽ có nguy cơ bị chính quyền Mỹ trừng phạt bằng các hình thức tương tự.
Trước nghi vấn về xuất xứ, kho nhôm 4,3 tỷ USD của tỷ phú Trung Quốc được giám sát chặt chẽ từ nhiều năm nay |
Qua các cuộc đấu tranh, từ 2019 đến đầu năm nay, Cục Kiểm tra sau thông quan đã đưa 76 vụ việc ra xử lý.
Cơ quan này phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu nhưng không có dây chuyền sản xuất mà chỉ lắp ráp công đoạn đơn giản; Có trường hợp lắp đặt dây chuyền sau, nhưng trước đó đã có sản phẩm xuất khẩu và thực hiện gian lận liên quan hàm lượng xác định xuất xứ hàng hóa.
Đặc biệt, Cục Kiểm tra sau thông quan cùng với Cục Điều tra chống buôn lậu đã lập chuyên án đấu tranh với một DN không có chức năng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng đã cấp C/O cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng hóa lên đến hơn 600 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đang phối hợp cùng cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ vụ việc.
“Chúng tôi cũng tiếp tục đấu tranh với 33 doanh nghiệp trên bởi chắc chắn cấu thành hành vi sử dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ giả”, ông Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ.
Ngoài ra, việc xác minh lại các C/O được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp cũng được ngành hải quan thực hiện rốt ráo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chia sẻ thêm: Đối với các C/O cơ quan chức năng cấp, hải quan cũng rà soát và chứng minh mặt hàng xuất khẩu này không đủ điều kiện là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
Ông Cẩn dẫn chứng mặt hàng gỗ ván ép: "Doanh nghiệp khai là nhập một phần nguyên liệu từ Trung Quốc, còn 70% là sử dụng nguyên liệu ở Việt Nam, được mua ở nông trường A, B, C nào đó, có xác nhận của giám đốc lâm trường, chủ tịch xã. Khi chúng tôi đi xác minh thì phát hiện nhiều nguyên liệu không được mua ở Việt Nam.
Cuối cùng, chủ tịch xã nhận sai, thừa nhận rằng nhà dân này không có gỗ nguyên liệu bán cho doanh nghiệp. Giám đốc nông trường cũng nhận sai, không có cây gỗ để bán mà chỉ xác nhận khống. Cho nên, chúng tôi đã kiến nghị thu hồi gần 500 C/O cấp sai”, ông Cẩn cho biết.
Gian nan chống buôn lậu
Cùng với việc chống gian lận xuất xứ, công tác điều tra chống buôn lậu cũng được phía Hải quan chú trọng.
Ông Nghiêm Xuân Thọ, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Cục Điều tra chống buôn lậu, kể: Cuối năm 2017, đầu 2018, Trung Quốc dừng nhập khẩu một số loại phế liệu. Một lượng rất lớn hàng phế liệu được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, trong đó có phế liệu sắt thép, nhựa giấy.
Lực lượng chức năng phối hợp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy "khủng" |
Nhắc đến vụ việc điều tra “nhiều cảm xúc” với một doanh nghiệp ở Bến Tre, ông Nghiêm Xuân Thọ cho biết: Xuất phát điểm của vụ việc là Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện DN mở 20 tờ khai, trong đó một số tờ khai có dấu hiệu vi phạm liền báo Cục Điều tra chống buôn lậu. "Chúng tôi tiếp nhận thông tin này và bắt đầu triển khai. Điều bất ngờ là trước khi chúng tôi vào Nam thì giám đốc doanh nghiệp qua đời. Theo quy định, nếu không còn hồ sơ, không có đối tượng thì kết thúc điều tra. Chúng tôi mất phương hướng mấy ngày".
“Sau khi xem lại hồ sơ do Hải quan Hải Phòng cung cấp, chúng tôi thấy có một manh mối đối tượng khác ở Vĩnh Phúc nên đã tìm đến địa chỉ của đối tượng này ở Vĩnh Phúc thì gia đình báo rằng đối tượng đã bỏ nhà đi từ lâu, đang ở phía Nam. Nhờ số điện thoại mà gia đình cung cấp, chúng tôi kiểm tra được các thông tin liên quan đến tài khoản của đối tượng, dòng tiền qua tài khoản... Sau đó, chúng tôi kiểm tra xác minh và thấy đối tượng có liên quan trực tiếp tới công ty mà giám đốc đột ngột qua đời”, ông Nghiêm Xuân Thọ kể.
Vụ việc được Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án hình sự, chuyển cho Cơ quan điều tra Bộ Công an. Ngay trong ngày, cơ quan công an đã ban hành quyết định khởi tố bị can, bắt giữ các đối tượng và sau đó khởi tố bị can, bắt giữ một số đối tượng trong cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng: Chống buôn lậu là chức năng, nhiệm vụ chính của Hải quan Việt Nam. Mặt trận chống buôn lậu luôn nóng bỏng bởi thủ đoạn của các đường dây, ổ nhóm hết sức tinh vi và thay đổi liên tục.
Riêng 5 năm qua (2015-2019), ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 84.362 vụ việc vi phạm. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 1.561 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 247 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 571 vụ án hình sự.
“Những năm gần đây, Hải quan đã chủ trì và tham gia triệt phá nhiều chuyên án lớn, thu giữ hàng trăm kg ma túy, hàng tấn ngà voi, hàng triệu bao thuốc lá,... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm được thu giữ mỗi năm lên đến cả nghìn tỷ đồng”, ông Cẩn nói.
Lương Bằng