“Chợ đất” khắp nơi
“Em mua đất gì cũng có” - vừa thấy tôi phát tín hiệu có nhu cầu mua đất, Nhàn - tay xe ôm đón tôi khi vừa đặt chân lên cầu cảng Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) - vồn vã. Vừa vào quán cà phê Nón Lá nằm trên đường Trần Hưng Đạo - thị trấn Dương Đông (TTDĐ), Nhàn đã huyên thuyên hết đất đồi, đất rừng, cho đến đất mặt biển... Chỉ một loáng, mang cả “chợ đất” ra mời chào. Câu chuyện thỉnh thoảng đứt quãng vì Nhàn trả lời các phi vụ khác và vì những cuộc trao đổi mua bán giá đất với cường độ “âm thanh vang dội” từ các bàn lân cận.
Một không khí náo nhiệt và hoàn toàn khác lạ. Bởi trước đây, hoạt động giao dịch đất đai ở Phú Quốc chủ yếu diễn ra tại một số điểm cố định như quán cà phê Bảo An trên đường Nguyễn Trung Trực (TTDĐ)... Cò đất các nơi quy tụ vào đây giao dịch, đón tiếp khách. Nhưng tháng nay, sau khi có thông tin rõ ràng hơn về việc chuẩn bị lên đặc khu, giá đất ở Phú Quốc lại lên cơn sốt và các dịch vụ cũng nở “như nấm sau mưa”. Không chỉ xuất hiện ngay trong những quán cà phê lâu nay được xem là “miễn dịch” với mua bán đất, những ngày gần đây, cò đất còn tràn ra các quán cà phê vỉa hè... Thậm chí, quán cóc tại ngã ba Gành Dầu - Bãi Thơm - Cửa Cạn, cũng thành “chợ đất”.
Bên các bàn ghế nhựa dưới mái che tạm bợ, các cò liên tục nghe - gọi. Dù đã chuẩn bị kỹ tâm lý trước lúc lên đường, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến “cò đất” tràn vào các điểm khám chữa bệnh - nơi tưởng chừng như mọi người chỉ dồn sức giành giật cuộc sống với “tử thần”. Tại điểm hốt thuốc Nam miễn phí của “thầy Út” ở xã Cửa Cạn, không chỉ có người nhà, mà một vài bệnh nhân cũng thỉnh thoảng bấm điện thoại để hoàn thành nhiệm vụ của “cò đất”. Thậm chí, ngay cả “thầy Út” cũng sử dụng đến 3 chiếc điện thoại để môi giới đất đai.
Hình như cả huyện đảo trở thành “chợ đất” khổng lồ khi đi đâu cũng thấy hình ảnh mua bán đất. Từ TTDĐ lên các xã Bắc đảo: Cửa Dương, Cửa Cạn rồi Bãi Thơm, Gành Dầu, mắt tôi lóa lên với hình ảnh của những tấm bảng mua - bán đất ven hai bên đường với “đầu tư” bài bản hơn: Đánh máy vi tính với các co chữ đậm, trình bày ngắn gọn, số điện thoại rõ ràng..., một số nơi còn dùng sơn viết thông tin trên bảng gỗ để tránh mưa nắng... Tất cả đều có thêm chú thích tạo ra sự an tâm “Đất chính chủ”, “Miễn trung gian”... Đặc biệt là phương thức kinh doanh cũng chuyên nghiệp hơn. Sau khi bấm vào số điện thoại, 09033.x8.4xx, chỉ sau câu: “Anh T. giới thiệu…”, lập tức bên kia máy, “cò” đưa ra cái hẹn không thể đẹp hơn: “Em đi đường xa, thôi vào quán… vừa lai rai vừa bàn chuyện luôn”.
Giá tăng như... động đất
“Giá đất đang tăng như điên luôn - chị Th, một cán bộ đoàn thể huyện Phú Quốc - đã không nén được bức xúc khi nghe tôi hỏi về thị trường đất đai - Chỉ sau 1 cú điện thoại, giá một thửa đất đã tăng lên nửa tỉ đồng”. Đặc biệt, chỉ trong tuần nay, giá đất tăng đến mức những bậc “lão làng” trong nghề cũng choáng ngợp.
Vừa bán đất tại khu vực Suối Cát (xã Cửa Dương) với giá hơn 900 triệu đồng/công (1.000m2), mức giá cao hơn 1,5 lần so với giá mua, nhưng Th - một cò đất có tiếng ở Phú Quốc - đã nhanh chóng “buồn như con chuồn chuồn”. Bởi chỉ 2 ngày sau, chủ mới đã “hét” giá 2,2 tỉ đồng/công. “Tôi trả giá 1,8 tỉ/công, nhưng chủ mới chắc giá 2,2 tỉ”- anh Th. tỏ vẻ nuối tiếc.
Hiện, giá đất tại các xã vùng Bắc đảo như Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu cũng đang tăng gấp nóng. Hôm đến Gành Dầu, trực tiếp chứng kiến cảnh 1 cư dân ở đây vừa bán thửa đất gần 7 công với giá 3,5 tỉ đồng/công, tôi đã hoa cả mắt, nhưng với nhiều người am tường, thì giá này quá “mềm”, vì thực tế với vị trí đẹp, diện tích quy mô thế này, giá đúng phải tầm 5 tỉ đồng/công...
Nóng nhất vẫn là địa bàn gần khu vực sân bay, mặt biển... Theo Th. hiện giá đất tại khu vực sân bay từ 8-14 tỉ đồng/công, tùy vị trí mặt tiền hay, mặt hậu. Đắt nhất vẫn là đất tại TTDĐ. Theo giới thiệu của Th., tôi điện thoại vào máy 090x2748xx, bên kia máy xác nhận có thửa đất hơn 900m2 mặt tiền đường Nguyễn Trung Trực (trung tâm TTDĐ) với giá không đổi: 50 tỉ đồng. Giá đất này đã thực sự gây sốc và hết sức bất ngờ đối với người dân Phú Quốc, nhưng không phải là giá nói cho vui, bởi thực tế, việc mua-bán đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Do chỉ mới bùng phát nên chưa có số liệu cập nhật, nhưng qua trao đổi nhanh, ông Phạm Văn Nghiệp - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - xác nhận, giao dịch đất đang rất nóng và nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn trận sốt đất những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015.
Số liệu từ văn phòng UBND huyện Phú Quốc cho thấy: Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, đã cấp giấy do nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, do biến động khác, chuyển mục đích sử dụng đất, bổ sung tài sản 2.407 thửa đất; chỉnh lý biến động 2.357 trường hợp; đăng ký thế chấp, xóa thế chấp quyền sử dụng đất và các loại điều chính, đính chính khác 3.091 trường hợp.
Con số này đã nói lên mức độ khủng khiếp của độ nóng thị trường đất đai Phú Quốc. Nhưng một đồng nghiệp địa phương đã gợi ý tôi “mục sở thị” tại 2 phòng công chứng và Phòng TNMT huyện Phú Quốc để hình dung được độ nóng mới.
Mới 8 giờ sáng, nhưng tôi không tìm ra chỗ để xe môtô, vì khoảng sân và vỉa hè khá rộng phía trước Phòng TNMT trên đường Trần Hưng Đạo gần như kín xe của dòng người thực hiện việc tách thửa, sang tên. Và chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh “như nêm” này tại Phòng Công chứng Phú Quốc trên đường 30.4 và Phòng Công chứng số 2 trên đường Nguyễn Trung Trực (TTDĐ).
Đang loay hoay, tôi nhận ra anh Dũng - chủ cơ sở kinh doanh sản phẩm du lịch ở xã Dương Tơ. Là chỗ thân tình lâu ngày, nhưng hôm nay anh Dũng không buồn chào. Hỏi ra mới biết, đang bực mình vì đi công chứng giấy tờ, nhưng mất nhiều giờ vẫn không thể “chen chân” với biển người công chứng giấy tờ mua bán đất.
Hậu quả khó lường
Đây không phải lần đầu Phú Quốc bị cuốn vào vòng xoáy đất tăng giá. Nhưng so với 2 đợt trước đó, trận sốt đất lần này rất đáng ngại bởi những hệ lụy theo chiều âm rất khó lường.
Theo nhận định của một lãnh đạo huyện Phú Quốc, sốt đất hiện nay là do người dân đổ xô mua “đón gió” sự kiện Phú Quốc lên đặc khu. Còn mua làm gì, vị trí đất đó sẽ như thế nào, giá nào hợp lý... thì ít được quan tâm. Một người mua, nhiều người nhảy vào mua theo “tâm lý đám đông”. Tuy nhiên, do đất ở Phú Quốc có hạn nên thực chất các cuộc giao dịch là trao đổi đất từ người này sang người kia trong thời gian ngắn.
Ông Lê Quang Minh - Trưởng Phòng TNMT Phú Quốc xác nhận: “Có thửa đất, chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại trên chục lần. Thậm chí, người bán đầu tiên lại là người mua lại trong thời điểm hiện nay”. Điều này đã tạo cho những người tham gia tâm lý “lướt sóng”, tức chấp nhận mua với giá cao với hy vọng sẽ bán được với giá cao hơn để kiếm lời như trước đó nhiều người đã từng thu về bạc tỉ. Trong khi đó, một số người đã lợi dụng cơ hội này đẩy giá tăng nhanh hơn cả tốc độ ảo của cơn “sốt”. Thậm chí còn biến “đất chết” thành “đất vàng”, khiến giá đất tăng vượt ngưỡng giá trị thực nhiều lần.
Nhưng, đáng lo hơn là giá đất tăng, mặt trái của đồng tiền làm thay đổi, thậm chí làm biến dạng hào lũy cuối cùng của “tình làng nghĩa xóm” trên Đảo Ngọc khi những láng giềng “tối lửa tắt đèn” ngày nào, giờ sẵn sàng đánh nhau vì tấc đất, sẵn sàng lật lọng...
Như chuyện chị Th, để mua được thửa đất trị giá 1,1 tỉ đồng người cháu trong đất liền thích, chị phải chấp nhận trả thêm nửa tỉ. “Sau khi hỏi giá, tôi điện lại liền, thì bên kia máy lại “đổi giọng”: “Lúc nãy em nói lộn, mua vào 1,1 tỉ, bán ra 1,5 tỉ - chị Th bức xúc - Biết là chiêu trò, nhưng vì đứa cháu thích nên tôi liên lạc lại. Ngay lập tức bên kia máy tiếp tục đổi giọng: Bây giờ em chắc giá 1,6 tỉ đồng”. Sau đó giao dịch thành công, chỉ sau 2 cú điện thoại, cò đất đã thu lãi thêm nửa tỉ đồng. Đây không phải là trường hợp cá biệt về chuyện làm giàu trong nháy mắt ở Phú Quốc từ những ngày đất đai nơi đây tăng giá.
Ông Phạm Văn Nghiệp - Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cảnh báo: Mua đất theo kiểu “tự phát” hiện nay dễ dẫn đến “tự sát” vì đất ở Phú Quốc đã được quy hoạch, không phải chỗ nào cũng xây dựng được nhà hàng khách sạn…
Hôm đến Gành Dầu, tôi còn nghe được chuyện động trời, người ta đã làm giấy chứng nhận đất trùm lên cả phần đất thuộc khuôn viên của Đồn Biên phòng!