Theo chuyên gia, đây sẽ là một cột mốc mới của du lịch Việt Nam, mở ra cánh cửa cho nền công nghiệp giải trí 24/7. Thậm chí, với nhiều lợi thế, Phú Quốc có thể "vượt mặt" các thiên đường du lịch hàng đầu khu vực hiện nay như Singapore, Hồng Kông hay Thái Lan.
Hóa giải "lời nguyền" của du lịch Việt
Theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có khoảng 10 - 40% khách du lịch quốc tế muốn quay lại Việt Nam lần thứ hai, trong khi ở Thái Lan, tỷ lệ này lên đến 80%.
Không những vậy, chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam chỉ khoảng 96 USD/ngày. Trong khi đó, chi tiêu của du khách khi đến Thái Lan là 163 USD/ngày, riêng Bangkok và Phuket đã đạt hơn 200 USD/ngày; tại Singapore, khách chi trung bình 272 USD/ngày.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khách quay lại thường rơi vào nhóm nghỉ dưỡng, mua sắm và công tác (du lịch MICE). Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore hút nhiều khách quay lại bởi Thái Lan là thiên đường mua sắm và nghỉ dưỡng; Singapore ngoài là trung tâm tài chính quốc tế còn sở hữu nhiều trung tâm thương mại và các điểm đến vui chơi, giải trí tầm cỡ khu vực và thế giới.
Trong khi đó, du lịch Việt Nam hiện chủ yếu là khám phá, nên chỉ thu hút nhóm khách "tò mò". Về lâu dài, sứ mệnh hút khách cho du lịch Việt phải thuộc về các trung tâm nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi, giải trí và du lịch MICE.
"Nếu biến các bãi biển thành khu nghỉ hoàn chỉnh với đa dạng dịch vụ chứ không phải chỉ là nơi ngủ, chúng ta sẽ có nhiều khách quay lại. Không những thế, khách còn ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn", ông Bình tin tưởng.
"Thỏi nam châm" hút khách đó ở các thiên đường du lịch như Thái Lan hay Singapore chính là nền công nghiệp giải trí. Trên thế giới, ngành công nghiệp không khói này vốn đã thịnh hành từ lâu, bao gồm các công viên chủ đề, hoạt động vui chơi có thưởng, công nghiệp điện ảnh, trò chơi điện tử… mang lại giá trị gia tăng rất lớn. Đơn cử, ngành công nghiệp giải trí đóng góp tới 35% GDP của Singapore.
Phú Quốc United Center: điểm nhấn mới của đảo Ngọc
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi các lợi thế sẵn có đã "bớt thiêng" thì công nghiệp giải trí chính là "phép màu" hóa giải "lời nguyền" du khách một đi không trở lại của du lịch Việt. Xét cả về xu hướng thế giới và nhu cầu của Việt Nam thì việc phát triển một trung tâm du lịch dịch vụ tổng hợp khép kín, đáp ứng tại chỗ tất cả nhu cầu của du khách mọi lứa tuổi ở mức độ cao và chất lượng cao như Phú Quốc United Center là rất cần thiết. Đặc biệt, Phú Quốc United Center còn là mô hình lý tưởng, dễ vận hành và kiểm soát khi tạo được chuỗi liên kết tất cả trong một do một chủ đầu tư triển khai và vận hành.
"Đây không chỉ là thỏi nam châm hút khách, là mỏ neo níu chân khách ở lại thật lâu mà còn là điểm nhấn, động lực mới, kỳ vọng mới để du lịch Việt Nam phát triển nhảy vọt ở tầm quốc tế", TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Đưa Việt Nam sánh ngang "thiên đường du lịch" hàng đầu thế giới
Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngoài quy mô "khủng", Phú Quốc United Center sở hữu những lợi thế cạnh tranh mà ít trung tâm du lịch trên thế giới có được. "Vũ khí chiến lược" đó nằm ở vị trí địa lý và đặc biệt là "hạt nhân" kinh tế đêm Grand World.
"Thành phố không ngủ" Grand World mở ra tiềm năng kinh tế đêm cho Phú Quốc
Trên thế giới, doanh thu từ sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày hiện chỉ chiếm khoảng 30%, 70% còn lại được tạo ra bởi nền kinh tế dưới ánh đèn điện. Những hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực, lễ hội ban đêm được ví như "cỗ máy in tiền" tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm. Kinh tế đêm mang về 102 tỷ USD/năm cho Australia, đóng góp tới 6% GDP cho Vương quốc Anh và ước tính đạt 400 tỷ Yên tại Nhật Bản. Riêng tại Mỹ, thành phố New York thu về hơn 10 tỷ USD và có thêm 300.000 việc làm từ kinh tế đêm. Trong khi đó, các thành phố du lịch ở Việt Nam hiện đều đi ngủ sớm để rồi "đánh rơi" nguồn thu khổng lồ.
"Mô hình 24/7 đầu tiên tại Phú Quốc United Center sẽ đánh thức nền kinh tế đêm của Việt Nam. New York, Paris hay Thái Lan… đều có kinh tế đêm nhưng lại không có được lợi thế biệt lập như Phú Quốc. Có thêm mảnh ghép kinh tế đêm, đảo Ngọc sẽ trở thành một nền kinh tế thu nhỏ", TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá.
Đảo Ngọc sẽ có thêm lực đẩy rất lớn từ kinh tế đêm
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng cả đất nước Singapore chỉ rộng bằng Phú Quốc, Hồng Kông thì quá chật hẹp trong khi đã phát triển tới giới hạn, Thái Lan lại làm theo kiểu cũ và không có một khu vực thực sự biệt lập như đảo Phú Quốc. Ngoài ra, với lợi thế của người đi sau, Vingroup có cơ hội rút kinh nghiệm từ các mô hình đi trước, quan sát các nhu cầu và triển vọng để tích hợp và phát triển mô hình mới tốt hơn. Đó là một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ liên hoàn, hội tụ tất cả những gì tinh hoa nhất của cả Việt Nam và thế giới trong một quần thể.
"Lợi thế địa lý cộng thêm tư duy và cách làm mới sẽ tạo ra động lực phát triển rất mạnh, từ đó nâng vị thế của Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ du lịch, dịch vụ khu vực và thế giới. Thậm chí, nếu làm tốt, chúng ta có thể vượt cả Singapore và Hồng Kông, sánh ngang với các thiên đường du lịch hàng đầu thế giới", ông Phong kỳ vọng.
Du khách trải nghiệm câu chuyện các nền văn minh tại VinWonders Phú Quốc
Theo các chuyên gia, không thiên đường du lịch nào "do Chúa tạo nên" mà tất cả đều có dấu ấn kiến tạo của con người. Sự thành công của Dubai, Hawaii, Maldives... là minh chứng cho cả thế giới thấy nếu không biết khai thác đúng cách, đầu tư đúng tầm, mọi sự tươi đẹp mà thiên nhiên ban tặng sẽ mãi mãi chỉ ở dạng tài nguyên. Sự đầu tư của Vingroup giống như "cây đũa thần" giúp viên ngọc thô Phú Quốc thực sự tỏa sáng.
"Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực du lịch, Phú Quốc United Center sẽ tạo ra sự lan tỏa và cơ hội đầu tư liên ngành, đặc biệt là ở quy mô quốc tế, từ đó hình thành chuỗi du lịch dịch vụ tổng hợp mới do Việt Nam làm chủ", TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định./.