Năm nay dự kiến vải, nhãn dự kiến sẽ được mùa lớn nên Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp bàn giải pháp tiêu thụ vải, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Nhiều địa phương kiến nghị Bộ đàm phán, khai thông thị trường Trung Quốc, bởi đây vẫn là thị trường lớn của vải, nhãn.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, thời tiết năm nay thuận lợi nên tỷ lệ cây vải và nhãn ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Các trà vải sớm quả non đang vào cùi, trà vải chính vụ trong giai đoạn quả non. Riêng với nhãn đang trong giai đoạn nở hoa, đậu quả non. Dự tính năm nay, vải, nhãn sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Sản lượng vải 3 tỉnh ước đạt trên 217.000 tấn, trong đó Bắc Giang ước đạt 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn và Hưng Yên 12.000 tấn. Riêng với nhãn, sản lượng ước đạt khoảng 80.000 tấn.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, cho biết, dự kiến năm nay, sản lượng vải của tỉnh sẽ đạt cao nhất trong vòng 10 năm lại đây, tương đương với sản lượng năm 2008 là khoảng 55.000-60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017.
Theo ông Cương, với trà vải chính vụ ở Hải Dương, do thu hoạch trùng với thời điểm thu hoạch vải ở Bắc Giang và Trung Quốc nên những năm được mùa, sản lượng lớn, vải thường bị mất giá do cung vượt cầu. Do đó, cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, tránh rớt giá đối với diện tích này.
Vải thiều năm nay dự kiến được mùa lớn do thời tiết thuận lợi |
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay, vụ vải năm nay, diện tích trồng vải ở địa phương là gần 29.000ha, sản lượng ước tính tăng 90 ngàn tấn, gần gấp 2 lần so với ngoái. Với sản lượng vải đạt 150.000-180.000 tấn sẽ áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bà Hà cũng bày tỏ quan ngại khá lớn về vấn đề mới đây tỉnh Quảng Tây yêu cầu truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Theo bà, đây là chính sách mới, các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể. tránh làm ảnh hưởng tới việc tiêu thụ vải.
“Đề nghị Bộ NN-PTNT sớm làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để sớm tháo gỡ khó khăn về truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương; đồng thời đàm phán về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này và tìm kiếm các thị trường mới”, bà Hà nói.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật bố trí trạm kiểm dịch lưu động tại vùng trồng vải để cấp chứng thư tại chỗ cho doanh nghiệp vải sang Trung Quốc và các nước, thay vì cấp chứng thư tại cửa khẩu.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND Sơn La, cũng cho rằng, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Bởi, dù các thị trường như Australia, EU, Hoa Kỳ khá quan trọng, song Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần rất lớn.
Trong đợt khảo sát mới đây, tỉnh Sơn La nhận thấy xuất khẩu vải sang Trung Quốc có nhiều lợi thế. Cụ thể, đây là loại quả phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc, trong khi cước vận chuyển lại hợp lý. Bên cạnh đó, yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của Trung Quốc cũng phù hợp với điều kiện Việt Nam, ông Khánh cho hay.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 chỉ với 1,8 triệu ha nhưng tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD. Việt Nam không chỉ có lợi thế về cây ăn quả nhiệt đới như thanh long, xoài, sầu riêng... mà nhãn và vải , cây có múi cũng là những cây có thế mạnh.
Theo ông Cường, diễn biến thời tiết năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi cho nhãn, vải. Thế nên, cần phải bàn cách chăm sóc để quả cho chất lượng tốt nhất, bàn cách tiêu thụ để vải nhãn được mùa nhưng vẫn được giá. “Lần đầu tiên có cuộc họp lớn như này với đầy đủ các bộ ban ngành, doanh nghiệp cùng các tỉnh thành ngồi lại để bàn giải pháp tiêu thụ vải, nhãn trong vụ này”, Bộ trưởng nói.
Ông cho biết sẽ tạo điều kiện để các tỉnh tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội, như tại Hội chợ nông nghiệp ở Hoàng Quốc Việt, đồng thời lưu ý các tỉnh quan tâm tới thị trường phía Nam. Với thị trường Trung Quốc, chúng ta đã cử người sang Quảng Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho doanh nghiệp và người dân các tỉnh.
B.Hân