Trong khi đó, các nhà máy ỷ lại vùng nguyên liệu dồi dào không chú trọng ký kết hợp đồng đầu tư sản xuất và tiêu thụ sắn với dân.
Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT Phú Yên, niên vụ sắn 2017-2018, nông dân trong tỉnh trồng 19.000ha, năng suất 24,5tấn/ha, sản lượng 465.500 tấn. Thế nhưng hiện mới đầu vụ nông dân đã trồng 11.227ha sắn, giai đoạn cây con. Dự kiến niên vụ này nông dân trồng vượt cả diện tích sắn niên vụ trước (trên 24.000ha).
Nông dân xã Sơn Định (Sơn Hòa - Phú Yên) cuốc cỏ chăm sóc sắn
Nguyên do, trận bão số 12 cuối năm rồi làm ngã đổ nhiều diện tích cao su, keo. Riêng diện tích cao su ngã đổ, nhiều nông dân không đủ vốn đầu tư trồng lại nên chọn giải pháp trồng sắn để lấp đất trống vì thế mà diện tích sắn tăng cao. Dọc theo tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ đoạn từ xã Sơn Long qua xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), trước đây là vườn cao su nay thay thế bằng đồng sắn xanh tốt. Ông Phan Văn Minh ở xã Sơn Long đang cuốc cỏ sắn chia sẻ: Nhà tôi có 1ha cao su ngã đổ do bão số 12, sau khi tôi thu dọn bán cây xong, do không có vốn đầu tư trồng lại nên chuyển sang trồng sắn.
Xã Sơn Định có số diện tích cao su ngã đổ lên đến 373,9ha, hầu hết nông dân chuyển sang trồng sắn. Ông Trần Văn Minh cho hay: Vốn đầu tư trồng cao su rất lớn nên khi cao su ngã đổ nông dân không đủ sức trồng mới đã chuyển sang trồng sắn để không bỏ đất trống.
Ông Trần Minh Tiên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Định, cho biết: Sau bão, Ngân hàng NN-PTNT thống nhất khoanh nợ cho nhân dân trồng cao su bị thiệt hại, tuy nhiên để đầu tư trồng lại thì nhân dân thiếu vốn nên trước mắt chuyển sang trồng cây ngắn ngày, cụ thể là trồng sắn.
Cũng như nông dân ở huyện Sơn Hòa, người trồng cao su bị thiệt hại do bão ở Sông Hinh cũng chuyển sang trồng sắn. Ông Phan Văn Tuấn ở xã Ea Bar cho hay: Gia đình ông có 1ha cao su bị ngã đổ, đã thu dọn vườn cây chuyển trồng sắn.
Theo Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên, diện tích sắn niên vụ 2016-2017 nông dân đã trồng đến 24.065ha. So với quy hoạch diện tích sắn vượt 13.065ha, nghĩa là gấp gần 2 lần. Năng suất củ đạt bình quân 19,26 tấn/ha và sản lượng gần 463.500 tấn, trong đó hai nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tiêu thụ 397.000 tấn.
Do nhà máy không tiêu thụ hết sắn củ tươi nên nông dân xắt lát phơi khô |
Theo Sở NN-PTNT, việc mở rộng diện tích cây sắn dẫn đến các nhà máy chế biến tinh bột sắn không chú trọng đến khâu ký kết hợp đồng đầu tư với nông dân theo các quyết định của Chính phủ liên quan đến chính sách liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn…
Theo Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên, niên vụ sắn 2016-2017, hai nhà máy chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân và Sông Hinh chỉ hợp đồng với nông dân đầu tư cho vùng nguyên liệu gần 2,5 tỉ đồng để trồng 1.215ha sắn, nghĩa là chỉ chiếm 11% diện tích vùng nguyên liệu được quy hoạch. Trong khi đó nông dân phải vay các ngân hàng thương mại khoảng 170 tỉ đồng để trồng sắn. Các nhà máy cũng chưa quan tâm du nhập giống mới để thay các giống đã thoái hóa, bị sâu bệnh dẫn đến giảm năng suất và độ bột.
Chính vì cách đầu tư vùng nguyên liệu như trên cho nên nông dân không có điều kiện thâm canh, nhất là sử dụng các loại giống mới để đưa vào trồng. Hiện diện tích sắn ở Phú Yên chủ yếu trồng giống KM94 là loại giống đang bị nhiễm bệnh chổi rồng. Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết, khi cây sắn bị bệnh chổi rồng sớm thường không cho thu hoạch. Cây sắn bị bệnh muộn thì làm giảm năng suất từ 10% đến 30%, hàm lượng tinh bột cũng giảm từ 20% đến 30%.
Theo Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh Phú Yên, dự kiến niên vụ sắn 2017-2018 sản lượng sắn gần 440.000 tấn và các nhà máy sẽ thu mua để chế biến tinh bột khoảng 385.000 tấn, còn tồn 55.000 tấn sắn củ trong dân. Như vậy, người trồng sắn ở Phú Yên có thể phải chấp nhận bán giá thấp để tiêu thụ nếu các nhà máy viện lý do như không tìm được thị trường cho đầu ra sản phẩm tinh bột...