Anh Trần Hoàng Kỵ, ở xã An Hải, huyện Tuy An thả nuôi 500 con tôm hùm tại khu vực đảo Lao Mái Nhà đã hơn 10 tháng, nhưng hiện khoảng một nửa số tôm nuôi đã chết và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Để cứu tôm, anh đã san thưa tôm qua nhiều lồng khác nhau, thường xuyên theo dõi tôm; đối với những con có trọng lượng trên 0,5kg thì xuất bán để tránh thiệt hại.
Anh Kỵ cho biết: "Tôm năm nay dịch nhiều, bị bệnh đen mang. Từ 11.2018 tới nay, tôm đã có hiện tượng chết. Có lồng nuôi số lượng tôm chết là 80%, đa số còn lại là 50% trở lên. Riêng tôm đã bị đen mang rất khó chữa. Tương tự, anh Võ Văn Phụng, xã An Hải, huyện Tuy An thả nuôi 400 con tôm hùm thì đến nay đã chết khoảng 150 con… Tôm chết có những con đạt trọng lượng từ 0,5kg đến 0,6k".
Tình trạng này khiến gia đình thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh Võ Văn Phụng lo lắng nói: Tôi thả nuôi 400 con nếu tính chi phí xong bán cũng có thể lãi vài trăm triệu. Thế nhưng bây giờ tôm chết đã hao hụt mất 100 con rồi. Bệnh vẫn còn tiếp diễn nên chưa biết tôm có còn chết không nữa. Thông thường, tôm bị chứng đen mang cũng từ từ chết dần; phó mặc cho trời, tôm ai lớn kêu bán để lấy vốn lại thôi.
Theo kết quả phân tích mẫu tôm và thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Trung tâm Giống và Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tỉnh Phú Yên, tôm hùm nuôi ở khu vực Lao Mái Nhà, xã An Hải, huyện Tuy An chết do bệnh đen mang và đã đưa ra phác đồ, hướng dẫn người nuôi cách điều trị bệnh cho tôm. Bên cạnh đó, cần chú ý đến môi trường vùng nuôi vì đây là nguyên nhân dẫn đến tôm bị bệnh.
Qua kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Giống và Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản ở các vùng nuôi tôm hùm tại Phú Yên cho thấy: hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp và mật độ Vibrio spp vượt so với giới hạn. Do vậy, người nuôi cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tôm nuôi (nhất là khi trời đứng gió) và đặc biệt chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước (nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan…) để điều chỉnh khoảng cách và mật độ tôm nuôi trong lồng cho phù hợp; tăng cường vệ sinh môi trường khu vực nuôi tôm.