Ngày 16/1, ông Phạm Nọc Minh, Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Trị cho biết, sau khi phía Công ty điện lực quốc tế Thái Lan (EAGTi) có thông báo dừng dự án Nhiệt điện than Quảng Trị (tháng 10/2022) do không thu xếp được nguồn vốn và cam kết giảm phát thải ròng bằng không, vừa qua UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin được giữ lại quy hoạch dự án Nhiệt điện Quảng Trị trong Quy hoạch điện VIII sắp được ban hành, trong đó thay thế dự án từ sử dụng điện than sang nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường (khí, LNG…) và giao cho UBND tỉnh vận động, kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng thực hiện.
"Việc này nhằm giữ ổn định cho kịch bản tăng trưởng của tỉnh được đề ra tại nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng như giúp tỉnh có thời gian nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư và cho tỉnh sau khi tỉnh đã thực hiện hoàn thành công giác GPMB, xây dựng khu tái định cư, họp và thông báo người dân di dời vào khu tái định cư mới", ông Minh giải thích.
Được biết, để thực hiện dự án, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư, xây dựng hoàn thiện khu tái định cư 252 tỷ đồng, rộng hơn 50ha tại khu vực xã Hải Khê, huyện Hải Lăng nhằm di dời các hộ dân trong vùng dự án. Do vậy, nếu dự án Nhiệt điện than Quảng Trị dừng lại thì điều này sẽ tạo ra sự lãng phí lớn đối với ngân sách địa phương.
"Tỉnh đã đề nghị phía AEGTi sớm cử đại diện đến tỉnh làm việc trực tiếp với tỉnh về các vấn đề liên quan trước khi gửi văn bản thông báo đến Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương về việc dừng dự án nhưng phía nhà đầu tư chưa sắp xếp được do còn phải báo cáo các cơ quan quản lý liên quan", ông Minh nói thêm.
Tuy vậy, cũng theo ông Minh, hiện nay nhà đầu tư EAGTi đang cân nhắc phương án "thứ hai" đó là nếu dự án được Chính phủ Việt Nam cho phép chuyển đổi sang loại hình điện khí thì nhà đầu tư sẽ xem xét khả năng có thể tiếp tục dự án. Bởi so với nhiệt điện than thì việc chuyển sang dự án điện khí sẽ giúp nhà đầu tư này có thể dễ tiếp cận các nguồn vốn quốc tế hơn.
Dự án Nhiệt điện than Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng. Tháng 8/2013, Chính phủ Việt Nam cho phép EAGti thực hiện dự án Nhiệt điện Quảng Trị công suất 1.200 MW theo hình thức BOT. Tháng 7/2016, dự án được điều chỉnh lên 1.320 MW.