Cụ thể, dự án thành phần 1, sẽ bắt đầu từ nút giao với đường vành đai 2 đến hết trạm thu phí được đầu tư theo hình thức đầu tư PPP kết hợp sử dụng vốn BOT và ngân sách TP.HCM, tỉnh Đồng Nai; dự án thành phần 2 từ trạm thu phí đến cuối tuyến sẽ đầu tư theo hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách tỉnh Đồng Nai.
Theo Công ty CP Tư vấn thiết kế GT-VT, đơn vị tư vấn thiết kế dự án xây dựng cầu Cát Lái nối TP.Thủ Đức (Tp.HCM) với huyện Nhơn Trạch, để thực hiện xây dựng cầu Cát Lái theo như phương án đề xuất, 2 địa phương Đồng Nai và Tp.HCM cần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất khoảng 40ha.
Cụ thể, đối với dự án thành phần 1, diện tích đất chiếm dụng của dự án là hơn 16ha, trong đó trên địa bàn Tp.HCM là khoảng 5,6ha, trên địa bàn Đồng Nai là hơn 10,5ha. Đối với dự án thành phần 2, diện tích đất chiếm dụng của dự án là gần 24ha.
Về phương án hướng tuyến, đơn vị thiết kế cũng đề xuất thực hiện theo phương án 2. Theo đó, hướng tuyến cụ thể khi thực hiện xây dựng cầu Cát Lái được xác định có điểm đầu giao cắt với đường vành đai 2 tại cầu Kỳ Hà 3 và 4, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch.
Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu, Phú Đông và cắt qua đường tỉnh 25C, kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đơn vị tư vấn cũng kiến nghị thực hiện đầu tư đồng bộ toàn tuyến bao gồm cả 2 dự án thành phần.